Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chết trong căn hộ sau 9 năm mới được tìm thấy

Lê Lam (từ Phần Lan)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cái chết của người đàn ông ở Oslo, Na Uy làm dấy lên câu hỏi về vai trò của công nghệ đối với việc giảm tiếp xúc của con người trong xã hội.

Cảnh sát Na Uy cho biết một người đàn ông chết trong căn hộ của ông ta ở Oslo đã 9 năm, nhưng mới được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái. Theo Đài truyền hình nhà nước NRK của Na Uy, người đàn ông ở độ tuổi 60, đã kết hôn nhiều lần và cũng có con.
Nhưng theo những người hàng xóm, ông ta sống rất khép kín, tự tách biệt mình và khi lâu ngày không gặp, họ nghĩ rằng ông ta đã chuyển đi hoặc bị đưa đến một trại giam. Ông ta chỉ được tìm thấy khi nhân viên của công ty nhà cửa yêu cầu cảnh sát mở cửa căn hộ để anh ta có thể tiến hành công việc bảo trì.

Cảnh sát tin rằng người đàn ông đã chết vào tháng 4 năm 2011, dựa trên một hộp sữa và một bức thư được tìm thấy trong căn hộ của ông ta. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ông ta chết vì nguyên nhân tự nhiên.
 Một khu dân cư ở Oslo.
Lương hưu của ông đã bị dừng vào năm 2018 khi Cơ quan Quản lý Lao động và Phúc lợi Na Uy (NAV) không thể liên lạc với ông nhưng các hóa đơn của ông vẫn tiếp tục được thanh toán tự động từ tài khoản ngân hàng của ông.

Thanh tra cảnh sát Oslo nói với NRK rằng họ đã suy nghĩ rất nhiều về việc ai đó có thể chết lâu như vậy mà không được phát hiện.

“Đây là một trường hợp đặc biệt và nó đã khiến chúng tôi đặt ra những câu hỏi điều này có thể xảy ra như thế nào,” cô nói với NRK. "Dựa vào bức ảnh mà chúng tôi có, rõ ràng anh ấy là một người sống khép kín, ít tiếp xúc với người khác."

Arne Krokan - Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy cho biết: Người đàn ông sẽ khó có thể chết mà không được phát hiện trong 9 năm nếu anh ta chết cách đây 30 năm. Ông nói, sự hiện diện của các thiết bị công nghệ mới trong cuộc sống đặt ra những dấu hiệu đỏ khi ai đó không tiếp xúc với người khác là “cái giá mà chúng ta phải trả cho các dịch vụ kỹ thuật số”.

Nhưng, Giáo sư Arne Krokan chắc không biết đến một trường hợp tương tự ừng xảy ra cách đây 27 năm ở nước láng giềng của Na Uy là Phần Lan. Chỉ khác một điều là người đàn ông Na Uy được phát hiện muộn hơn. Đó là năm 2000, một người đàn ông 56 tuổi có vợ, ba con và một số người tình, được phát hiện nằm chết trên giường trong một căn hộ tầng 3 ở Thủ đô Helsinki từ năm 1994. Cái chết của ông ta chỉ được phát hiện vào 6 năm sau một cách tình cờ  khi những người thợ lắp thiết bị báo cháy đến căn hộ vì công việc. Người ta biết được ông chết đã 6 năm nhờ vào ngày tháng ghi trên hộp đựng đồ ăn uống còn lại trong tủ lạnh và các ấn phẩm bưu điện, báo quảng cáo.

Năm 2006 (6 năm sau khi được phát hiện) một tờ báo lớn ở Phần Lan đã đăng lại bài điều tra về cái chết của người đàn ông này với một tiêu đề rất ấn tượng “Người lang thang: cuộc sống chỉ các nhà chức trách quan tâm, nhưng cái chết thu hút sự chú ý của mọi người”. Bài báo cũng đã nêu ra vấn đề cái chết của người đàn ông này đã nói lên rất nhiều điều của xã hội Phần Lan hiện đại. Trong 6 năm liền, cơ quan an sinh và phúc lợi xã hội quốc gia (KELA) vẫn cấp tiền trợ cấp thu nhập đều đặn cho ông ta, song vì ông ta là người nghiện ngập và nhiều lần xin trợ cấp thêm từ KELA nên hàng tháng KELA đã tự động trả các khoản tiền thuê nhà, điện, nước, vệ sinh “giúp” ông ta. Trong 6 năm liền, không người thân, bạn bè hay láng giềng nào mở cửa nhà ông. Nếu như không vì phải lắp hệ thống báo cháy cho căn hộ của ông ta thì chắc hẳn ông vẫn còn “ngủ yên” trên giường lâu hơn nữa.