639 cụm công nghiệp này chiếm tổng diện tích khoảng 21.000 héc ta, tạo việc làm cho hơn 555.000 lao động. Tuy nhiên, mối nguy hại đối với môi trường từ các cụm công nghiệp là rất nghiêm trọng khi đa số các cơ sở này xả thải trực tiếp ra môi trường mà không có công trình xử lý nước thải. Bộ Công Thương cho biết nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, (trong đó có hệ thống xử lý nước thải) hàng năm rất thấp và dàn trải, không đáp ứng nhu cầu (tổng vốn hỗ trợ giai đoạn 2011 – 2014 chỉ 290 tỉ đồng, bình quân 72,5 tỉ đồng/năm). Hiện mới chỉ có 25/63 tỉnh thành ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp. Theo một báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, bình quân mỗi ngày cả nước có đến 240.000 mét khối nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm rất nghiêm trọng cho nguồn nước sinh hoạt, ăn uống của người dân. Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mãn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư … ngày càng tăng. Việt Nam có đến 80% những ca bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước ô nhiễm.