Ngày 15/3, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã có buổi khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND TP về chính sách phát triển GDMN ở địa bàn có KCN-KCX tại quận 12.
Tại buổi làm việc, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận 12 báo cáo với đoàn khảo sát. Theo đó, năm học 2022-2023, quận 12 có 329 cơ sở giáo dục, trong đó có 23 trường công lập, 46 trường ngoài công lập và 260 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở GDMN độc lập.
Tổng số trẻ đến trường là 28.183 cháu, trường công lập là 7.565 trẻ, ngoài công lập là 8.859 trẻ, các cơ sở GDMN độc lập là 11.759 trẻ. Trên địa bàn quận 12, có KCN Tân Thới Hiệp diện tích hơn 20ha ở phường Hiệp Thành, hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động với hơn 7.000 công nhân, trong đó có 155 công nhân có con nhỏ (từ 13 tháng tuổi đến 6 tuổi) học tại các cơ sở GDMN độc lập.
Theo ông Hùng, hiện nay quận 12 có 50 cơ sở GDMN chăm sóc, nuôi dưỡng 4.423 trẻ. Khối công lập có 4 trường với 1.573 trẻ, 8 trường ngoài công lập với 1.262 trẻ, có 38 cơ sở GDMN độc lập chăm sóc 1.588 trẻ. Về đội ngũ quản lý có 30 người (trường công lập 12 người, ngoài công lập 18 người), có 352 giáo viên trình độ từ trung học đến đại học sư phạm mầm non, có 144 nhân viên (62 nhân viên nuôi dưỡng, 71 nhân viên nấu ăn, 11 nhân viên phục vụ).
“Qua rà soát tại KCN Tân Thới Hiệp không có cơ sở GDMN ngoài công lập đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ 20-50 triệu đồng/cơ sở. Thống kê tại các cơ sở GDMN ngoài công lập có 20.618 trẻ, trong đó có 155 trẻ là con công nhân đang làm việc tại KCN. Đến nay, chỉ mới hỗ trợ 104 trẻ là con công nhân tại KCN, đang học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập số tiền 89,6 triệu đồng. Đối với 352 giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở GDMN ngoài công lập, chỉ có 3 người đủ điều kiện nhận hỗ trợ 13,6 triệu đồng. Các trường hợp còn lại không đủ điều kiện (106 giáo viên công tác tại trường mầm non công lập, 264 giáo viên công tác tại trường ngoài công lập”, ông Khưu Mạnh Hùng nói.
Tại buổi khảo sát, bà Trần Thị Kim Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Thành cho biết, toàn trường chỉ có 3 giáo viên được nhận hỗ trợ số tiền 800.000 đồng/tháng/người. Nhiều giáo viên khác không được hỗ trợ vì không đủ điều kiện về chuẩn (chỉ có bằng trung cấp sư phạm mầm non), hoặc một số cơ sở GDMN do số trẻ là con công nhân chưa đạt tỷ lệ 30% theo quy định.
Còn bà Nguyễn Thị Từ Tâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 cho biết, tại trường có 7 phụ huynh nộp hồ sơ xin hỗ trợ, nhưng chỉ có 2 trẻ đủ điều kiện được hỗ trợ, đối với tất cả giáo viên trường chưa được nhận hỗ trợ vì chưa có trình độ đạt chuẩn.
Về phía Sở GD&ĐT cho biết, qua thống kê của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tại thời điểm xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập ở địa bàn có KCN-KCX có 324 cơ sở, đến nay chỉ mới hỗ trợ được 76 cơ sở. Trong đó có 57 cơ sở GDMN độc lập đã được hưởng trợ cấp hơn 1,3 tỷ đồng (tỷ lệ 75%); có 19 cơ sở GDMN độc lập (tỷ lệ 25%) không được hỗ trợ vì không đủ 30% số trẻ là con công nhân; một số nhóm lớp giải thể, tạm ngưng hoạt động, một số không có nhu cầu hỗ trợ…
Về chính sách trợ cấp cho trẻ là con công nhân làm việc tại KCN-KCX trên địa bàn TP, tại thời điểm xây dựng chính sách hỗ trợ có 12.794/43.761 trẻ là con công nhân làm việc trong KCN-KCX. Trong đó có 5.838 trẻ được hưởng trợ cấp hơn 3,8 tỷ đồng; có 6.956 trẻ em chưa được nhận hỗ trợ vì chưa hoàn tất hồ sơ.
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT, đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN ngoài công lập ở địa bàn có KCN-KCX, tại thời điểm xây dựng chính sách có 508/4.127 giáo viên thực hiện nộp hồ sơ hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 27. Đến nay đã có 212 giáo viên được hưởng trợ cấp 870,4 triệu đồng, có 296 giáo viên không được hỗ trợ do nhóm lớp phụ trách không đủ 30% số trẻ là con công nhân đang làm việc trong KCN-KCX gheo học.
Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND đã tác động tích cực đến hệ thống giáo dục ngoài công lập, cho chủ cơ sở GDMN độc lập có điều kiện đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang bị thêm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em. Góp phần phát triển mạng lưới cơ sở GDMN có chất lượng, phù hợp với thu nhập, nhu cầu gửi trẻ của công nhân trong KCN-KCX, giảm áp lực cho các trường mầm non công lập.
Chính sách hỗ trợ trẻ mầm non cũng đã tạo điều kiện cho con em công nhân có môi trường học tập và được chăm sóc giáo dục theo đúng nội dung chương trình của Bộ GD&ĐT, thúc đẩy đời sống của công nhân ngày một tốt hơn.
Về khó khăn, Sở GD&ĐT cho rằng nhiều cơ sở GDMN tại KCN-KCX rất cần hỗ trợ theo Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TP, nhưng chưa đạt được các điều kiện để nhận hỗ trợ (quận, huyện có KCN-KCX nhưng không có trường hay nhóm, lớp; một số lớp lân cận KCN-KCX nhưng số lượng con công nhân lại không nhiều, một số cơ sở GDMN chưa đủ 30% trẻ em là con công nhân nên các nhóm, lớp chưa nhận được hỗ trợ theo quy định).
Trong quá trình rà soát danh sách các công ty trong các KCN-KCX, nhưng không có công ty mà chỉ có kho bãi. Trong quá trình thanh toán, chuyển khoản đến từng phụ huynh có con em đang theo học tại các cơ sở GDMN độc lập trong KCN-KCX gặp nhiều khó khăn vì số tài khoản phụ huynh cung cấp không đúng, sai tên, sai số tài khoản, sai tên ngân hàng.
Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, Sở GD&ĐT kiến nghị TP tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ cho trẻ, giáo viên mầm non, cơ sở GDMN ngoài công lập ở khu vực KCN-KCX trong thời gian tới.
Kết luận buổi khảo sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình nhận định, hiện nay TP có nhiều chính sách riêng cho khối GDMN. Qua báo cáo của địa phương cho thấy số trẻ em, giáo viên và cơ sở GDMN độc lập được nhận hỗ trợ còn quá ít. Đối với tình trạng trên cùng địa bàn có giáo viên được nhận chính sách hỗ trợ, nhưng có giáo viên không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đã khiến nhiều người tâm tư. Do đó, cần đánh giá lại hiệu quả triển khai của chính sách để từ đó tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm giúp chính sách phát huy hiệu quả tốt hơn trong thực tế.