Theo đó, thuế thu nhập cá nhân của bản thân người nộp thuế sẽ được điều chỉnh, nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng. Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Điều này có nghĩa thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc mới phải nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc. Như vậy, nếu có một người phụ thuộc thì thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Có hai người phụ thuộc thì thu nhập trên 19,8 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.
Ngay khi mức giảm trừ mới được công bố, không ít người dân đã bày tỏ sự thất vọng. Còn nhớ thời điểm Luật Thuế TNCN (sửa đổi, bổ sung một số điều) vào tháng 7/2013, khi giải trình mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng, Chính phủ giải trình mức giảm trừ này được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014.
Với một phép tính đơn giản, với GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.540 USD/năm (tương đương 4,9 triệu đồng/tháng) thì mức giảm trừ gia cảnh tối thiểu sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là gần 2.800 USD/người/năm (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD/người/năm- theo số liệu của Tổng Cục Thống kê) thì mức giảm trừ gia cảnh còn phải cao hơn nữa.
Nếu mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tương đương 2,5 lần mức GDP thì sẽ phải tăng lên tương ứng khoảng 14,5 triệu đồng/tháng là tối thiểu. Đó là chưa kể dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hơn 23% nhưng vẫn chưa thống kê một cách đầy đủ các mặt hàng, chưa phản ánh đầy đủ cuộc sống hàng ngày của người dân. Thu nhập tăng lên nhưng chi phí cho nhu cầu tối thiểu như nhà ở, ăn uống, đi lại, học hành... cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, mức thuế TNCN theo lũy tiến, chia làm 7 bậc, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35% đang được áp dụng hiện nay làm tỉ lệ thuế trên thu nhập là khá cao. Trong khi khoảng cách điều tiết biểu thuế cũng rất dày, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn. Tiền thuế tăng có khi còn nhiều hơn tiền được nhận thêm.
Điều khiến người nộp thuế bức xúc hơn cả là hiện nay do lỗ hổng trong quản lý thu nhập khiến sắc thuế TNCN chủ yếu “nắm người có tóc” tức người làm công ăn lương, cán bộ công chức, viên chức. Đặc biệt, người được trả thu nhập qua tài khoản ngân hàng.
Còn đối tượng có nguồn thu nhập khủng bên ngoài như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, bác sĩ... lại khó xác minh, khó thu thuế. Gần đây, nổi lên những cá nhân, tổ chức có thu nhập “khủng” qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến… vẫn chưa có những giải pháp xử lý triệt để.
Do đó, chính sách thuế TNCN cần thiết xem xét minh bạch, nhất quán trong cách tính, để có điều chỉnh phù hợp. Cần thiết kế theo hướng tạo được sự lan tỏa sang các chính sách khác. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng đồng thời đảm bảo công bằng và bền vững.