Nguồn cung cơ bản đáp ứng đủ
Thưa ông, thời gian qua, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, một phần nguyên nhân được cho là thừa nguồn cung, khiến nhiều người chăn nuôi băn khoăn tái đàn. Dưới góc độ nhà quản lý, ông có ý kiến gì về việc này?
Thực tế, thông tin vừa qua báo chí đưa tin ngành chăn nuôi dư thừa 8 triệu con lợn là không chính xác. Thông tin này khiến nhiều người chăn nuôi e dè tái đàn vì lo ngại khó tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Trên thực tế, tổng đàn lợn của cả nước hiện là hơn 28 triệu con, trong đó có 4,7 triệu lợn con theo mẹ; 2,93 con lợn nái. Như vậy, 30% số lợn dư thừa thời gian qua chỉ rơi vào khoảng 1,5 - 2 triệu con. Tình trạng dư thừa đó chỉ là cục bộ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Thời điểm này, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, chuỗi cung ứng thực phẩm được nối liền, nên lượng lợn tồn đọng trong dân đã cơ bản đã được giải quyết, giá lợn tăng mạnh trở lại. Hiện giá lợn ở cả 3 miền dao động quanh mốc 45 - 50.000 đồng/kg.
Tuy nhiên tốc độ tái đàn trong dân vẫn khá chậm, bởi thực tế chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi đang rất cao. Giá thức ăn chăn nuôi tăng (từ 16 - 36%), trong khi thức ăn chiếm 65 - 70% giá trị con lợn. Nếu nuôi theo chuỗi từ con nái đến lợn thịt thì giá thành dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, còn nếu phải mua lợn giống giá thành từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Như vậy, với giá bán lợn hơi hiện nay, người chăn nuôi vẫn chưa đủ chi phí sản xuất.
Vậy, ông có dự báo như thế nào về giả cả thị trường cũng như nguồn cung thịt gia súc, gia cầm nói chung dịp cuối năm?
Với 1 cơ cấu đàn lợn hiện có khoảng 28 triệu con, trong năm 2021 này có thể xuất chuồng khoảng 50 triệu con lợn thịt. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi dự kiến có 6,2 triệu tấn thịt gia súc, gia cầm (trong đó có 3,82 triệu tấn thịt lợn); 16 tỷ quả trứng; 1,2 triệu tấn sữa. Với cơ cấu đàn vật nuôi như hiện nay và kiểm soát được dịch bệnh thì cơ bản sẽ chủ động được nguồn cung cho dịp cuối năm và đầu năm 2022, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Mặt khác, các đối tượng vật nuôi có thể thay thế được như đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ. Đối với gà công nghiệp chỉ mất khoảng thời gian từ 35 - 50 ngày có thể có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Ngoài ra có gia súc ăn cỏ phát triển tương đối ổn định, có thể bù đắp cho nhu cầu thực phẩm.
Nhưng dù sao đi nữa thì nhu cầu thịt lợn của người tiêu dùng nước ta vẫn tương đối lớn. Trước khi có dịch, cơ cấu thịt lợn chiếm khoảng 70 - 72% lượng thịt tiêu thụ, hiện tại chiếm khoảng 65 - 66%. Vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu của thị trường, giá thịt lợn dịp cuối năm sẽ tăng cao.
Trong khi chu kỳ sản xuất không phải 1 vài tháng, đối với chăn nuôi lợn thịt phải mất thời gian từ 5 - 6 tháng, còn tính từ nuôi đàn lợn giống thì phải mất 17 - 18 tháng thì mới có lợn thịt. Nhưng chu chuyển đàn và chăn nuôi lợn có thể tùy cơ ứng biến. Nếu như bình thường người chăn nuôi có thể xuất chuồng từ 1 - 1,2 tạ/con lợn, nhưng nếu thị trường cần có thể xuất sớm hơn, tùy theo thị trường có thể cân đối được. Đây là cơ sở để người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, cân đối được giữa sản xuất lưu thông phân phối và tiêu dùng.
Chăn nuôi theo chuỗi để hài hòa lợi ích
Như ông biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa thể kiểm soát ngay được, trong khi giá cả vật tư đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao. Vậy ông có khuyến cáo gì cho bà con nông dân trong việc tái đàn?
Trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng như dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngoài chăn nuôi an toàn sinh học là điều kiện tối ưu để phòng bệnh, bên cạnh đó phải chăn nuôi theo chuỗi để tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Đối với nông hộ phải hình thành các liên kết ngang để DN tiếp cận hợp tác xã, nhóm hộ chăn nuôi thì mới hạ giá thành sản phẩm. Chuỗi mới chủ động từ khâu thay đế đàn, từ sản xuất đến tiêu dùng, không mất cân đối cung cầu, giữ ổn định trong thị trường.
Người chăn nuôi phải hướng đến chăn nuôi chuyên nghiệp hơn, kể cả chăn nuôi nông hộ. Để làm được việc đó cần tạo nguồn vốn để người dân duy trì đàn vật nuôi hiện tại, và có thể tái đàn, tránh trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn tới thiếu nguồn cung cục bộ trong thời gian tới. Nhưng muốn nói gì thì người dân cần áp dụng chăn nuôi chuyên nghiệp hơn, chăn nuôi an toàn sinh học, đủ điều kiện hãy chăn nuôi, còn không thì không nên tái đàn, vì nguy cơ giá cả bấp bênh, thì dịch bệnh vẫn luôn đe dọa. Ngoài ra, cần nhìn vào tín hiệu thị trường để chủ động tái đàn, tránh tình trạng cung thừa cầu.
Để ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phực tạp, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết, Bộ NN&PTNT có những chính sách gì khuyến khích người chăn nuôi, thưa ông?
Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán.
Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho khu vực nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19. Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay, để người dân có thể tái đàn cho chu kỳ chăn nuôi tới đây. Không chỉ đáp ứng cho thị trường Tết Nguyên đán mà còn sau Tết nữa.
Xin cảm ơn ông!