Bộ Xây dựng:

Chỉ số giá tiêu dùng vật liệu xây dựng giảm nhẹ

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,13% do giá gas giảm 5,38%.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, liên quan đến công tác quản lý vật liệu xây dựng (VLXD), đến nay, hầu hết các loại VLXD vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là thép. Việc các nguyên nhiên liệu sản xuất thép tăng cao khiến giá thép liên tục đẩy lên cao, tính từ giữa năm 2021 và đầu năm 2022, giá thép tăng 9 lần, tổng mức tăng lên từ khoảng 6 - 8 triệu đồng/tấn.

Chỉ số giá tiêu dùng VLXD giảm nhẹ.
Chỉ số giá tiêu dùng VLXD giảm nhẹ.

Mức giá chênh lệch nhỏ từ những loại phổ biến: Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Dana-Ý, thép Miền Nam… Trong khi đó, các loại VLXD khác như: Cát, sạn, xi măng, gạch ngói… đều tăng đáng kể.

Những tháng đầu năm 2022 việc tăng giá vượt đỉnh, chẳng hạn như: xi măng tăng 100 nghìn đồng/tấn, gạch ngói tăng từ 8 - 10%, gạch ốp lát tăng đến 15%... Sở Xây dựng và Sở Tài chính các địa phương luôn luôn điều chỉnh nhưng không khớp với thị trường.

Vì vậy, hầu hết chủ đầu tư sử dụng hình thức hợp đồng trọn gói ở thời điểm thương thảo, ký kết hợp đồng, nên khi trúng thầu nhà thầu không thể thay đổi, điều chỉnh giá vậy nên phải tự bù lỗ.

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhóm nhà ở và VLXD giảm 0,13% do giá gas giảm 5,38%. Tuy nhiên, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66%, giá thép tăng khi giá nguyên liệu từ quặng sắt, thép phế liệu… tăng.

Giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng như xăng dầu và than đá tăng cao. Ngoài ra, giá một số sản phẩm VLXD dựng khác cũng tăng cao như đá, cát, gạch xây dựng” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, nhằm sớm ổn định tình hình của thị trường VLXD, từ đầu năm đến nay Bộ đã đẩy mạnh nghiên cứu và thực hiện tổ chức lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án về Amiăng; tham gia Đề án xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn 2045 của Ban Kinh tế T.Ư.

Tổ chức triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030 theo Quyết định số 2171/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng theo Quyết định số 452/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cập nhật thường xuyên số liệu để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh trên cả nước trong lĩnh vực xi măng, gạch ốp lát, sứ xây dựng và kính xây dựng, khoáng sản làm VLXD, khoáng sản làm xi măng… đề xuất giải pháp chính sách phù hợp.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ TN&T, Bộ Công Thương và các địa phương liên quan xử lý kịp thời vướng mắc về khoáng sản làm VLXD, khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, cũng như giải đáp kiến nghị về VLXD thông thường.