Cải cách hành chính: 4/8 chỉ số thành phần tăng điểm
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC - PAR INDEX) của Hà Nội được xác định để đánh giá kết quả CCHC hằng năm của TP, chia thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100, trong đó điểm của Hội đồng thẩm định đánh giá là 68 điểm, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học (XHH) là 32 điểm (gồm 10 điểm đánh giá qua Chỉ số hài lòng - SIPAS).
Theo kết quả vừa được Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố, tỉnh/thành đạt điểm Chỉ số tổng hợp cao nhất là tỉnh Quảng Ninh, với 92,18 điểm; tỉnh/thành đạt thấp nhất là tỉnh An Giang, với 81,32 điểm. Trong đó TP Hà Nội đạt 91,43 điểm, tăng 1,85 điểm so với năm trước và giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, TP (năm 2022 xếp thứ 3/63).
So sánh trong 5 TP trực thuộc Trung ương, đứng vị trí cao nhất là Hải Phòng xếp thứ 2, tiếp đến Hà Nội xếp thứ 3, Đà Nẵng xếp thứ 12, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 33, cuối cùng là Cần Thơ xếp thứ 42. Hà Nội đã vươn lên từ vị trí thứ 10 vào năm 2021 lên thứ 3 trong hai năm trở lại đây.
Đáng chú ý, trong 8 chỉ số thành phần của Chỉ số CCHC, chỉ số “Chỉ đạo điều hành CCHC” đạt cao nhất với điểm số 99,33%; chỉ số “Cải cách công vụ công chức” đạt thấp nhất, nhưng cũng đạt 85,73%.
Trong 8 chỉ số, tăng cao nhất so với năm trước là chỉ số “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”, tăng tới 13,2%; tiếp đến là chỉ số “Chỉ đạo điều hành CCHC” tăng 5,44%; chỉ số “Cải cách tài chính công” tăng 1,44%; chỉ số “Cải cách thể chế” tăng 0,2%. Hai chỉ số “Cải cách thủ tục hành chính” và “Cải cách tổ chức bộ máy” giữ nguyên điểm số, hai chỉ số “Cải cách công vụ công chức” và “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của TP” giảm so với năm trước.
Chỉ số SIPAS: 9/9 tiêu chí thành phần đạt tỷ lệ hài lòng tăng
Song song với đánh giá Chỉ số CCHC, từ năm 2022, Bộ Nội vụ bắt đầu thực hiện đo lường Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN - SIPAS) dựa trên cảm nhận của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân, gồm 8 nhóm chính sách được lựa chọn gồm: Phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; điện sinh hoạt; nước sinh hoạt; an sinh, xã hội.
Cụ thể, để đo lường Chỉ số SIPAS, nhóm nghiên cứu tiến hành đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của CQHCNN và đo lường nhu cầu, mong đợi của người dân. SIPAS là một trong những nội dung quan trọng để đưa vào đánh giá, xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của TP (chiếm tỷ lệ 10% tổng số điểm PAR INDEX). Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện và Bưu điện TP Hà Nội có trách nhiệm thực hiện khảo sát.
Nếu trước đây, đối tượng lựa chọn trả lời phiếu gồm cả cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp giao dịch và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các CQHCNN của TP thì năm 2023, đối tượng, phạm vi điều tra XHH trên địa bàn Hà Nội là những người dân ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Với số lượng mẫu điều tra là 2.700 phiếu, quá trình điều tra khảo sát được tiến hành trong phạm vi 6 quận, huyện gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ứng Hòa.
Kết quả rất khả quan cho thấy, Chỉ số SIPAS năm 2023 của TP Hà Nội đạt 83,57%, tăng 3,41%, xếp thứ 21/63 tỉnh/TP, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 TP trực thuộc Trung ương (chỉ sau Hải Phòng). Với kết quả này, TP đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.
So sánh trong TP trực thuộc Trung ương, Hải Phòng đứng thứ 1/63 với điểm số 88,90%, Hà Nội đứng thứ 21/63 (đạt 83,57%), Đà Nẵng đứng thứ 22/63 (83,38%), Cần Thơ đứng thứ 23/63 (83,12%), TP Hồ Chí Minh đứng thứ 36/63 (81,78%).
Về Chỉ số Hài lòng trong từng lĩnh vực so với các tỉnh, TP trên cả nước, kết quả cho thấy, Chỉ số hài lòng của người dân đối với việc “xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách” đạt 83,46%, tăng mạnh nhất so với năm 2022 (tăng 4,39%) và xếp thứ 21/63 tỉnh, TP (tăng 11 bậc so với năm trước). Chỉ số hài lòng của người dân đối với việc “cung ứng dịch vụ hành chính công” đạt 83,72%, tăng 2,46% so với năm trước và xếp thứ 21/63 tỉnh, TP (tăng 9 bậc so với năm trước).
Chỉ số Hài lòng của TP Hà Nội năm 2023 tiếp tục đạt cao hơn Chỉ số hài lòng chung của cả nước (SIPAS chung của cả nước đạt 82,66%).
Đặc biệt, phân tích cho thấy, năm 2023, TP Hà Nội có 9/9 tiêu chí thành phần của Chỉ số SIPAS đạt tỷ lệ hài lòng cao hơn so với năm trước, không có tiêu chí thành phần nào có tỷ lệ hài lòng giảm.
Trong đó, tại lĩnh vực “Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách”, ghi nhận tăng cao nhất ở tiêu chí thành phần về mức độ hài lòng đối với kết quả, tác động của chính sách, tăng 6,06% và chất lượng chính sách, tăng 5,17%. Tại lĩnh vực “Cung ứng dịch vụ công”, ghi nhận tăng cao nhất ở tiêu chí thành phần về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, tăng 2,93% và về thủ tục hành chính, tăng 2,50%. Cả 9/9 tiêu chí thành phần đều đạt tỷ lệ hài lòng trên 80%, trong đó 8/9 tiêu chí đạt tỷ lệ hài lòng trên 83%.
“Đạt được những kết quả khả quan về Chỉ số CCHC và Chỉ số Hài lòng trong năm qua, một nguyên nhân, bài học kinh nghiệm quan trọng mà TP Hà Nội rút ra chính là nhờ có sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị TP về tầm quan trọng của cải cách TTHC và chuyển đổi số; quán triệt và xuyên suốt nguyên tắc làm việc “thượng tôn pháp luật - luôn luôn lắng nghe - thái độ phục vụ”. Đặc biệt, mục tiêu TP luôn hướng tới là “người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, phục vụ kịp thời”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.