Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ số PMI giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 51,7 điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, Ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty Markit Economics công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 52,3 xuống còn 51,7 điểm trong tháng Bảy. Như vậy, chỉ số này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp và dấu hiệu này được cho là yếu nhất trong bốn tháng qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của HSBC, điều kiện kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong tháng Bảy nhưng tốc độ tăng trưởng của sản lượng và đơn đặt hàng mới yếu hơn so với tháng Sáu.

Tốc độ tăng chi phí vẫn cao trong khi giá nhiên liệu và chi phí vận tải tăng do việc thực thi các quy định hạn chế tải trọng xe. Điều này cũng tiếp tục ảnh hưởng đến thời gian giao hàng của nhà cung cấp.

Tính đến tháng Bảy, ngành sản xuất đã tăng trưởng 10 tháng liên tiếp, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chậm và trở thành chậm nhất trong chuỗi tăng trưởng hiện tại. Số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn đã góp phần tăng sản lượng, nhưng một số công ty cho biết mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới yếu hơn và những khó khăn trong việc giữ lại công nhân đã ngăn cản khả năng tăng trưởng trong sản xuất.

Cũng giống như sản lượng, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại trong tháng Bảy và là yếu nhất kể từ tháng Hai. Theo các thành viên nhóm khảo sát, những nơi có số lượng đơn đặt hàng tăng, nguyên nhân được cho là nhu cầu của khách hàng đã tăng hơn nhưng ở tốc độ khiêm tốn.

Bên cạnh đó, tồn kho hàng hóa thành phẩm tăng lần đầu tiên trong ba tháng cũng là nguyên nhân làm giảm chỉ số PMI trong tháng Bảy.

Bà Trịnh Nguyễn, chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC nhận định: “Lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng trong tháng Bảy, mặc dù tốc độ đã chậm lại do sản lượng tăng yếu hơn. Việc làm và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng, phản ánh yêu cầu cao về sản xuất và nhu cầu ở nước ngoài đã được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm tiếp tục tăng trong những tháng tới.”