Chi tiền triệu chống nóng cho vật nuôi

Phương Nga – Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, kéo dài nhất trong nhiều năm nay. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến việc chăm sóc đàn vật nuôi của bà con nông dân càng khó khăn hơn, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Muôn kiểu chống nóng
Để bảo vệ hơn 50.000 con gà (đẻ trứng, thương phẩm), những ngày này gia đình ông Trần Văn Hiệu, ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) phải sử dụng hết công suất hệ thống quạt thông gió và hệ thống phun nước trên mái để hạ nhiệt cho chuồng gà. Theo ông Hiệu, nhiệt độ lý tưởng nhất cho chuồng nuôi gà đẻ là từ 25 - 270C.
Mặc dù cơ sở đã đầu tư hệ thống làm mát bài bản, nhưng nhiệt độ trong chuồng gà vẫn cao hơn mức 300C. “Những ngày nắng nóng này tôi lo nhất là mất điện, bởi chỉ cần mất điện hơn 1 giờ là cả đàn gà không sống nổi. Vì vậy tôi phải đầu tư thêm hệ thống máy phát đề phòng mọi sự cố về điện” – ông Hiệu cho hay.
Tương tự, tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phúc Thọ (Thọ Lộc, Phúc Thọ) hiện đang chăn 180 con lợn thương phẩm. Để chống nóng cho đàn lợn, ngay đầu mùa Hè 2020, HTX đã phải đầu tư lại hệ thống mái chuồng bằng tôn lạnh, đồng thời trồng thêm nhiều cây xanh quanh chuồng để tạo bóng mát.
 Người chăn nuôi gà ở Ba Vì bổ sung chất điện giải vào nước uống cho gà trong ngày nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Nga
Đặc biệt, để đối phó với đợt nắng nóng này, ngoài phun nước lên mái, bật quạt thông gió, các công nhân trong trại còn cọ rửa chuồng và tắm cho đàn lợn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. “Nắng nóng khiến lợn kém ăn, nên dễ phát sinh dịch bệnh. Để tăng sức đề kháng, tôi đã yêu cầu bổ sung chất điện giải, vitamin C vào khẩu phần ăn của lợn” - Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phúc Thọ Nguyễn Hữu Thỉnh chia sẻ.
Chi phí tăng, năng suất giảm
Ngoài đầu tư chi phí chuồng trại, hệ thống làm mát, việc vận hành hết công suất các thiết bị điện làm mát, bổ sung thêm các khoáng chất vào khẩu phần ăn của vật nuôi khiến chi phí sản xuất tăng vọt.
Theo Giám đốc HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Đông Lỗ (xã Đông Lỗ, Ứng Hòa) Ngô Văn Sinh, nắng nóng khiến đàn vịt ăn kém, nếu những ngày mát trung bình 1 con vịt ăn 160g cám/ngày thì ngày nóng giảm xuống còn 140g/ngày. Từ đó kéo theo lượng trứng giảm 15% và độ hao vịt mẹ tăng từ 5%/năm lên 15%/năm. Cùng với đó, nắng nóng khiến việc bảo quản trứng khó hơn, chỉ sang ngày thứ 4 là trứng loãng lòng. Vì vậy người chăn nuôi phải bán đổ bán tháo hàng dù bị thương lái ép giá.
Cũng đang phải bù lỗ hàng chục triệu đồng/ngày vì nắng nóng, gia đình anh Nguyễn Duy Toản ở Viên An, Ứng Hòa mặc dù đã đầu tư hệ thống làm mát hiện đại nhưng lượng trứng gà đẻ của gia đình anh vẫn giảm 10% ngày.
Theo anh Toản, nắng nóng khiến người nông dân thiệt đơn thiệt kép, nếu thông thường tiền điện cho trại gà của anh khoảng 45 triệu đồng/tháng, thì nay tăng lên 60 triệu đồng/tháng, cộng thêm chi phí các chất điện giải, khoáng chất 2 triệu đồng/ngày.
Cùng với đó hiện giá thành sản xuất mỗi quả trứng gà là 1.350 đồng nhưng giá bán ra chỉ được từ 1.100 - 1.200 đồng/quả. Như vậy riêng tiền trứng gia đình anh đang bù lỗ khoảng 8 triệu đồng/ngày. Cộng thêm chi phí chống nóng, trung bình mỗi ngày gia đình anh đang phải bù lỗ gần 20 triệu đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo: Trong ngày nắng nóng, người chăn nuôi nên tập trung chú ý tái đàn ở mật độ không quá cao, chuồng trại bảo đảm thoáng mát. Đặc biệt, mùa nóng này vật nuôi hay phát sinh cảm nắng, cảm nóng; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm… bởi sức khỏe của vật nuôi yếu đi.

"Thời tiết nắng nóng, nên tăng cường cho vật nuôi ăn nhiều bữa, bảo đảm nghiêm ngặt chế độ nước uống, bổ sung thêm các chất điện giải, vitamin. Cùng với đó, bảo đảm tiêm phòng các loại vaccine, tiêm vào tối hoặc sáng để tránh choáng hoặc sốc nhiệt."- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn