Chi tiền tỷ học nghề phi công

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đào tạo nghề phi công, để chinh phục bầu trời, học viên phải chi ngót nghét 4 tỷ đồng. Dù lương khởi điểm cả trăm triệu đồng, được “bao” đầu ra, nhưng để theo học được ngành này không hề đơn giản.

1,7 tỷ đồng cho khóa học cơ bản
Hiện tại, một số trung tâm đào tạo phi công đã phát đi thông báo tuyển sinh với nhiều cơ chế ưu đãi.
Cụ thể, với Stanford Aviation international Company (SAIC), có trụ sở tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh sẽ mở khóa đào tạo phi công chuyên nghiệp vào tháng 3/2020. SAIC là trung tâm đào tạo liên kết với ROYHLE FLIGHT TRAINING (Philippines) được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép hoạt động với quy mô đào tạo trên 100 phi công mỗi năm. Theo đó, SAIC sẽ đào tạo 3 nội dung: Huấn luyện phi công căn bản; huấn luyện phi công chuyển loại và huấn luyện line training.
 Lớp đào tạo phi công Vietnam Airlines.  Ảnh:  Trần Anh
Liên quan đến chi phí đào tạo, theo ông Quang Anh - cán bộ tư vấn tuyển sinh SAIC, với khóa học cơ bản, học viên sẽ theo học bay tàu nhỏ (Cessna 172, Cessna 152, Cpl). Khi tích lũy đủ 200 giờ bay, học viên sẽ được chuyển qua học MCC (Multi crew cooperation, phối hợp tổ bay), JOC (jet orirntation course, làm quen tàu bay lớn), ATPL - giai đoạn này học viên sẽ mất 14 tháng để hoàn tất (đây là khoảng thời gian được ghi nhận ngắn nhất tại châu Á, khi đa số các nơi huấn luyện đều yêu cầu học viên từ 18 - 24 tháng). Chi phí cho giai đoạn học cơ bản được SAIC công bố là 72.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng, đã bao gồm ăn ở, đi lại).
Sau khi hoàn thành khóa học căn bản, các học viên sẽ được trung tâm hướng dẫn học chuyển loại (type rating). “Nếu các bạn quyết định đi VJ hoặc Bamboo thì sẽ chuyển loại A320. Nếu học viên quyết định đi VNA thì sẽ có các hướng chuyển loại Airbus, ATR, Boeing” - ông Quanh Anh nói thêm. Ở giai đoạn này, các học viên sẽ phải thêm phí 25 - 31.000 USD (khoảng 700 triệu đồng). Các học viên được quyền chọn nơi tập luyện, như Singapore, Indonesia hoặc Vietjet Academy quận 9, TP Hồ Chí Minh. SAIC dự kiến bắt đầu khóa học vào ngày 9/3 tới.
Còn Công ty CP Đào tạo Bay Việt (công ty con của Vietnam Airlines) tổ chức đào tạo khoảng 100 học viên mỗi năm. Mỗi học viên sẽ phải nộp khoảng 1,8 tỷ đồng chi phí đào tạo cơ bản, với thời gian từ 18 - 20 tháng.
Học xong đi làm ngay, lương cả trăm triệu đồng mỗi tháng
Cũng là những mô hình hợp tác đào tạo phi công, hãng bay Bamboo Airways trong năm 2020 dự kiến tuyển sinh 120 - 150 học viên trong chương trình Học viên phi công cơ bản.
Theo đó, các học viên là công dân Việt Nam ở độ tuổi 18 - 37, đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, có trình độ ngoại ngữ theo quy định, không có tiền án, tiền sự có thể tham gia vào các khóa học sau khi vượt qua vòng duyệt hồ sơ, thi ngoại ngữ, làm bài ADAPT (bài kiểm tra năng khiếu và kỹ năng thích ứng với nghề) và phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh.
Các học viên của Bamboo Airways khi trúng tuyển sẽ được đào tạo ở nước ngoài, trong các đơn vị đào tạo nhân lực hàng không mà Bamboo Airways hợp tác, bao gồm: Australian Airline Pilot Academy (AAPA), CAE và The Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT) trong thời gian từ 18 - 24 tháng.
Theo Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Eddy Doyle, các phi công sau khi tốt nghiệp, có nguyện vọng gắn bó cùng Bamboo Airways sẽ được cơ hội làm việc với hãng với mức thu nhập hấp dẫn.
Liên quan đến câu chuyện mức lương, thưởng của phi công, theo chia sẻ của cơ phó Vũ Quang Anh (phi công của VietJet), hầu hết phi công khi tham gia vào các hãng hàng không đều phải ký kết một điều khoản “không tiết lộ thu nhập”. Tuy nhiên, Vũ Quang Anh cho hay, trung bình cơ phó sẽ có mức lương khoảng 100 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm có thể lên cơ trưởng, mức lương sẽ được đẩy từ 200 - 300 triệu đồng/tháng.
Tại báo cáo của Vietnam Airlines, vào năm 2018, phi công hãng này có mức lương trung bình 132,5 triệu đồng/tháng.