Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có 8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.
Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn và sử dụng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo chính quy. Thời gian thi dự kiến gồm 1 hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm- sau khi học sinh đã học xong chương trình phổ thông và trước khi thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh sẽ thi trực tiếp, làm bài trên giấy (thời gian mỗi môn từ 60-90 phút) tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục ĐH ở miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh đăng ký.
Theo đại diện lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì nhà trường sẽ tiến hành khảo sát chất lượng đào tạo của thí sinh trúng tuyển bằng thi đánh giá năng lực và thí sinh trúng tuyển bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng nhằm so sánh, đánh giá kết quả học tập.
Năm 2023, nhà trường dự kiến tuyển 20-30% chỉ tiêu từng ngành cho phương thức thi đánh giá năng lực. Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước là: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Thông qua kỳ thi độc lập của trường ĐH Sư phạm, thí sinh có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường ĐH khác nếu các trường đó chấp nhận. Hiện có trường ĐH Quy Nhơn, trường ĐH Sư phạm Huế đã quyết định sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển sinh năm 2023.