Trong khuôn khổ chương trình đào tạo của Lớp bồi dưỡng giảng viên các trường Chính trị - hành chính của đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Việt Nam, đoàn công tác gồm 15 học viên là các đồng chí lãnh đạo và giảng viên các trường chính trị-hành chính cấp tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã có buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội.
Lớp bồi dưỡng dành cho các giảng viên các trường Chính trị - hành chính của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từ ngày 14/6 đến 10/8. Một trong các hoạt động thực tế hữu ích của khóa học này là tìm hiểu thực tiễn hoạt động của các trường chính trị tại các tỉnh, thành ở Việt Nam, trong đó có Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội.
Buổi giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội và các học viên Lớp bồi dưỡng giảng viên các trường Chính trị - hành chính của đảng Nhân dân Cách mạng Lào diễn ra ngày 3/8.
Cùng với các học viên Lào, chương trình còn có sự góp mặt của TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Vụ Trưởng Vụ Các trường chính trị; PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; các đồng chí Nguyễn Ngọc Hân - Chủ nhiệm lớp - Vụ Quản lý đào tạo, các đồng chí lãnh đạo Vụ các trường chính trị…
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe PGS.TS Phạm Minh Anh - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong báo cáo khái quát quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, chức năng, nhiệm vụ, những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo và quản lý nhà trường.
Theo đó, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội có những thuận lợi để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, như: được sự quan tâm của Thành uỷ và các ban, ngành của TP; Nhà trường giàu truyền thống với đội ngũ 106 cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động, (trong đó có 1 PGS.TS; 12 tiến sỹ; 62 thạc sĩ; 14 cử nhân, 15 cao đẳng, trung cấp) có đủ phẩm chất, năng lực, thích ứng với công việc, có khát vọng nâng cao trình độ lý luận chính trị và các kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Nhà trường đã hoàn thành mọi kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do Thành ủy Hà Nội giao. Năm 2020 có 71 lớp với 6.553 học viên; Năm 2021: 74 lớp với 6.035 học viên; Năm 2022: (6 tháng đầu năm) 60 lớp với 5.259 học viên. Trong những năm tới, dự kiến mỗi năm mở 20 - 30 lớp trung cấp lý luận chính trị, trong đó có các lớp do Ban Tổ chức Trung ương giao cho Trường đào tạo cho các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội.
PGS.TS Phạm Minh Anh cũng đã có những chia sẻ, làm rõ hơn về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, cũng như những kinh nghiệm của nhà trường trong việc tổ chức, quản lý các lớp, thông tin về chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị hiện đang thực hiện tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Thời gian làm việc giữa các học viên Lào tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong không dài, nhưng đoàn đã được cung cấp những thông tin bổ ích, giúp học viên hiểu được bức tranh tổng thể quá trình phát triển của Trường với những kết quả thể hiện quyết tâm cao của toàn thể lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động trong nhà trường, qua đó, học viên có thêm nhiều kinh nghiệm để vận dụng vào công tác giảng dạy và lãnh đạo.
Lớp bồi dưỡng dành cho các giảng viên các trường Chính trị - hành chính của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có ý nghĩa rất đặc biệt nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký hiệp định “Hợp tác vĩ đại, Đoàn kết đặc biệt, Hợp tác toàn diện” giữa hai nước Việt Nam - Lào. Trong toàn nội dung khóa học đã cung cấp hệ thống lý luận cơ bản, kỹ năng thực tiễn sâu sắc và những kinh nghiệm quý báu giữa các trường có chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương đồng.
Đặc biệt là kinh nghiệm đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị, nghiên cứu, tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương và địa phương, góp phần tăng cường thúc đẩy và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay.