Với cuộc sống hiện đại, nhiều người chồng vì lười hoặc ham vui nên luôn tìm cách lẩn tránh công việc nhà. Họ không quan tâm đến việc sắp xếp, lo toan trong gia đình, mà phó thác hết cho vợ. Không ít phụ nữ phàn nàn, dù chồng hay về nhà sớm, nhưng chỉ để ngồi xem ti vi, không động tay giúp đỡ vợ. Trong khi đó, về đến nhà, các chị phải "tay năm tay mười" cơm nước dọn dẹp, chăm sóc con. Và cũng chính bởi sự thờ ơ ấy, những người đàn ông dần trở thành người khách trong chính ngôi nhà của mình và hạnh phúc khó mỉm cười với họ.
Nhưng như một nghịch lý, nhiều đàn ông lại trở thành người thừa trong việc nhà bởi có vợ quá đảm đang. Lúc nào cũng tham công tiếc việc, chị Thanh (quận Ba Đình) bận rộn cả ngày, trong khi chồng chị hết giờ hành chính là ngồi chơi game, đọc báo, mặc kệ vợ với chuyện nhà và dạy dỗ con cái. Mọi quyết định chi tiêu trong gia đình anh cũng không bao giờ can thiệp, bởi "vợ quyết là đúng". Một số người chồng khác có bản chất lười lại chỉ làm vài việc theo yêu cầu của vợ, còn lại cho vợ tự quản lý. Họ được gọi là những ông chồng "dễ chiều", mặc vợ muốn làm việc nhà thế nào cũng được. Tình cảnh ấy, khiến người đàn ông tự mình làm mất giá trị của mình trong gia đình. Cùng với đó, không ít người vợ rơi vào cảnh chán nản và cô đơn triền miên cũng chỉ vì những ông chồng quá thờ ơ với gia đình.
Nhiều người phụ nữ buồn rầu thốt lên rằng, không cần chồng phải mang về quá nhiều tiền mà chỉ muốn con mình được gặp bố nhiều hơn. Sáng khi chúng dậy, đến trường thì bố còn đang ngủ, tối khi chúng ngủ rồi thì bố mới về. Có ngày cuối tuần muốn cả nhà ăn bữa cơm chung thì anh bảo phải đi tiếp khách, đi gặp bạn bè…
Học cách sẻ chia
Ngày nay, khái niệm "bình đẳng giới" được nói đến khá nhiều, hiện tượng chồng rửa bát, nấu cơm, giặt giũ quần áo giúp vợ lúc bận rộn đã không còn là chuyện hiếm..., nhưng hiện tượng những "ông chồng trốn việc nhà" cũng ngày càng nhiều hơn và họ vẫn mặc nhiên cho rằng, vai trò của người phụ nữ trong gia đình phải tề gia nội trợ.
Tuy nhiên, kết quả nhiều khảo sát cho thấy: Trong gia đình, vợ chồng và các thành viên khác đều phải có trách nhiệm chung. Tính tự giác chia sẻ cùng nhau trong công việc nhà cũng như tình cảm của mọi người trong gia đình là cơ sở để hoàn thành mọi công việc, nuôi dưỡng văn hóa gia đình. Đây cũng là yếu tố giúp người phụ nữ thực hiện vai trò xã hội của họ. Sự đóng góp của cả hai vợ chồng vào kinh tế gia đình, vào việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm của mình đều cần thiết và quan trọng như nhau.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, trong cuộc sống hiện đại, quan điểm phụ nữ chỉ lo chuyện nội trợ trong gia đình, đàn ông gánh vác việc xã hội và là trụ cột kinh tế của gia đình đã thay đổi nhiều. Bây giờ, phụ nữ cũng tích cực tham gia công tác xã hội và trong số đó, có không ít người đã trở thành trụ cột kinh tế chính của gia đình. Ngoài trách nhiệm với gia đình, họ còn có nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp nên thời gian họ dành để học tập, trau dồi và bổ sung kiến thức, chiếm một thời lượng không nhỏ. Vì thế, có người chồng thông cảm, biết chia sẻ công việc nhà với mình, người phụ nữ sẽ cảm thấy an tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Và, chính những việc xem là nhỏ nhặt, khi được sẻ chia, được cùng gánh vác, hạnh phúc cũng theo đó phát triển thêm.