Chia tay một “cây đại thụ” của làng văn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tin tác giả của "Mùa gió chướng", "Chiếc lược ngà", "Đất lửa" về với đất mẹ có lẽ được phát đi đầu tiên từ facebook của con trai nhà văn - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Dũng "khùng") vào chiều tối ngày 13/2/2014.

Chia tay một “cây đại thụ” của làng văn - Ảnh 1
Những dòng chữ mang danh lời thông báo, nhưng vấn vương nỗi buồn, nỗi tiếc thương lẫn niềm tự hào: "Ba tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân: chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc… Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cám ơn thượng đế cho con được là con của ba"…

Không tiếc thương sao được, dù cho tuổi 82 không phải là sớm sủa, dù cho tuổi 82 theo cách nói xưa nay đã là thượng thọ. Bởi "lão" nhà văn ấy vẫn minh mẫn làm một cây đại thụ của làng văn chương Việt Nam đương đại, vẫn miệt mài bên bàn viết để những bộ phim thấm đẫm tình người đến với công chúng. Trước Tết Giáp Ngọ vừa rồi, lão nhà văn vẫn còn tự đi taxi từ nhà ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đến một bữa tiệc năm mới cùng các bạn văn. Ao ước lớn nhất của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là còn đủ sức khỏe để về thăm quê hương Chợ Mới, An Giang. Nhưng ao ước ấy giờ chỉ có thể nằm lại trong hồi tưởng về ông của những người còn sống …

Ai yêu văn chương có thể quên được những hậm hực hồn nhiên, những đớn đau thăm thẳm được khơi lên từ "Chiếc lược ngà"? Không thể quên, nếu không muốn nói là ai cũng nhớ bởi dấu ấn văn chương ấy đã đi vào trang sách văn học của học sinh phổ thông. Rồi sau nữa là những: "Con chim vàng", "Nhật ký người ở lại", "Đất lửa", "Mùa gió chướng", "Dòng sông thơ ấu"... Cây bút đại thụ này còn đưa văn chương, đưa thực tế đời sống vào điện ảnh một cách ngọt ngào và đầy ám ảnh. Ấy là những kịch bản "để đời" làm nên những bộ phim được xếp vào hàng "kinh điển" của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, như: "Cánh đồng hoang", "Pho tượng", "Cho đến bao giờ", "Mùa nước nổi"… Văn chương của Nguyễn Quang Sáng, điện ảnh của ông lúc nào cũng chất chứa nhịp đập con tim và đậm đà cốt cách Nam Bộ. Là bởi đã kinh qua khói lửa chiến tranh, đã đồng hành cùng văn chương Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến, và tiếp tục tỏa bóng trong thời bình bằng cá tính độc đáo. Chiến khu U Minh là nơi ông khởi nghiệp văn chương với truyện ngắn đầu tay "Con chim vàng" năm 1956. Rồi từ đó cho đến tận giờ - hơn nửa thế kỷ ông gắn bó và miệt mài mang đến cho công chúng những tác phẩm mang đậm cốt cách và văn phong của một nhà văn đàn anh đáng kính. "Từ năm 1966, tôi đi chiến trường ở Đồng Tháp Mười, lúc mùa nước nổi, chứng kiến cảnh đánh nhau trên Đồng Tháp, cảnh trực thăng bắn thì người lớn lặn xuống nước được, chứ con nít đâu lặn được, thành thử phải có bao ni-lông bỏ đứa con nít vào trong đó, người lớn lặn rồi ôm đứa con nít lặn theo. Tôi chứng kiến cảnh đó rồi nghĩ cảnh này mà vào phim sẽ rất "ăn". Từ hình ảnh đó cho thấy một cuộc chiến tranh khốc liệt mà không ở đâu có, mà chỉ cần tả điều đó thôi đã thấy sự khốc liệt của chiến tranh rồi, không cần phải có máy bay hay xe tăng gì nhiều hết. Tôi đã "nuôi" chi tiết đó từ năm 1966 cho đến năm 1978, tôi mới bắt đầu viết, viết đúng một tuần xong kịch bản: “Cánh đồng hoang", nhà văn đã kể như vậy trong một lần nói về kịch bản bộ phim "Cánh đồng hoang".Sự ra đi của Nguyễn Quang Sáng cũng tạo ra một khoảng trống chông chênh trong lòng những người làm báo, đặc biệt là những thế hệ người cầm bút đã "lên chức" ông, bà. Nhà báo Công Nghĩa Hoàn - Tổng Biên tập đầu tiên của báo Kinh tế & Đô thị, như nhớ nhiều hơn và hồi tưởng nhiều hơn về những lời sẻ chia chân tình mà "anh Sáng" dành cho tờ báo Kinh tế & Đô thị cách đây hơn 15 năm. Ông kể bằng giọng nói trầm hơn ngày thường: "Hồi ấy chuẩn bị ra báo, tôi tranh thủ ít ngày đi TP Hồ Chí Minh khảo sát, hỏi han kinh nghiệm ra báo chuyên đề Kinh tế & Đô thị - một lĩnh vực mà anh, chị em làm báo phía Nam rất có kinh nghiệm. Trong một lần gặp gỡ một số anh em nhà văn, nhà báo phía Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, lúc ấy là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam hoan nghênh Thủ đô Hà Nội xuất bản báo Kinh tế & Đô thị. Ông nói: "Ra thêm báo lúc này rất tốt vì đất nước chúng ta đang tăng cường dân chủ hóa; Nhà nước có thêm kênh thông tin để truyền tải, dân có diễn đàn để bày tỏ song cả nước có hơn 600 đầu báo, tạp chí, báo Kinh tế & Đô thị "mần răng" đây để vừa trụ vững lại vừa có bản sắc riêng, để báo phát triển đúng hướng, hay, hấp dẫn, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bạn đọc". Lời nhắn nhủ chân tình từng trải của bạn đồng nghiệp, tôi nghĩ cũng là điều mong đợi của lãnh đạo TP Hà Nội về tờ báo". 
Chia tay một cây đại thụ của làng văn Việt Nam, nhiều tiếc nuối song cũng đầy tự tin rằng những gì ông để lại trong kho tàng văn chương, trong hoạt động nghệ thuật sẽ là tấm gương cho những thế hệ đi sau soi vào để tiếp bước.
 
Giải thưởng văn học và điện ảnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

- "Ông Năm Hạng" - truyện ngắn giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959);

- "Tư Quắn" - truyện ngắn, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân đội (1959);

- "Dòng sông thơ ấu" - giải thưởng Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam (1985);

- "Con mèo của Fujita" - tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994;

- "Cánh đồng hoang" (kịch bản phim) - bộ phim được tặng Huy chương vàng Liên hoan Phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng Liên hoan Phim quốc tế  Moskva (1981);

- Mùa gió chướng (kịch bản phim) - Huy chương bạc Liên hoan Phim toàn quốc (1980).

- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2001.