Chia thưởng bằng cổ phiếu: Con dao hai lưỡi

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều DN đã mạnh tay công bố chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Việc chia tách cổ phiếu bằng cổ phiếu thưởng được coi là sẽ thu hút nhà đầu tư, giúp tăng tính thanh khoản do giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ chia thưởng, đặc biệt đối với các cổ phiếu thị giá cao.

Tuy nhiên, nỗi lo về pha loãng cổ phiếu, giảm thị giá cổ phiếu được coi là “con dao hai lưỡi” của thưởng cổ phiếu, nhất là với các DN không đủ tiềm lực mạnh để duy trì giá trị của cổ phiếu.
 Giao dịch tại chi nhánh Techcombank Hà Nội.

Mạnh tay trả thưởng

Mới đây, Ngân hàng Thương mại CP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thông báo chính thức nhận được công văn chấp thuận của NHNN và Ủy ban Chứng khoán về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, các cổ đông sẽ nhận cổ phiếu thưởng của ngân hàng với tỷ lệ 1:2 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần theo danh sách cổ đông hưởng quyền chốt tại ngày đăng ký cuối cùng cho đợt phát hành sẽ được nhận 2 cổ phần mới). Ngày đăng ký cuối cùng cho đợt phát hành cổ phiếu lần này để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là ngày 6/7/2018 và ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 5/7/2018. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm trong đợt này là 2.331.061.440 cổ phiếu phổ thông có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ Techcombank, nhiều DN cũng tỏ ra khá mạnh tay với tỷ lệ chi trả cổ phiếu thưởng. Đầu tháng 5/2018, Vinamilk thông qua thời gian chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và chia thưởng cổ phiếu. Trong đó, Vinamilk sẽ phát hành và niêm yết cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5:1. Tương tự, Công ty CP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cũng sẽ tiến hành thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện là 10:2 (10 cổ phiếu sở hữu nhận được 2 cổ phiếu thưởng…

Ở nhóm “cổ phiếu vua” ngân hàng, việc chia thưởng cổ phiếu khá sôi động. Với việc phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14% và chia cổ tức 11%, tổng tỷ lệ chia thưởng của MB lên đến 25%, cao nhất từ trước đến nay. VIB chốt chia thưởng cho cổ đông gồm 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu.

Có nhiều lý do để các DN chọn hình thức chia cổ phiếu thưởng, trong đó, tăng vốn điều lệ, từ đó tăng năng lực tài chính và có cơ hội tiếp cận khoản vay lớn hơn để thực hiện các dự án lớn... là lý do được các DN đề cập nhiều nhất. Đơn cử, theo Techcombank, mục đích của đợt phát hành này là dự kiến nâng tổng vốn điều lệ của Techcombank lên 34.965 tỷ đồng theo đúng phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ của Ngân hàng thông qua ngày 14/6/2018. Đợt tăng vốn điều lệ lần này sẽ giúp cho việc đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, trụ sở, mạng lưới hoạt động, kinh doanh, đồng thời giúp tăng khả năng vượt các tỷ số an toàn hoạt động và nâng cao nguồn lực quản trị rủi ro.

Đón "sóng” thưởng cổ phiếu - đừng để vỡ mộng

Với TTCK, trong giai đoạn thị trường khởi sắc, thông tin chia thưởng cổ phiếu được xem như một lực đỡ quan trọng cho giá chứng khoán tăng hàng ngày. Đối với những cổ phiếu có thị giá cao, việc chia tách sẽ gia tăng tính thanh khoản do giá cổ phiếu đã được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ chia thưởng. Những nhà đầu tư ít vốn sẽ có cơ hội đầu tư khi có cảm giác cổ phiếu đã rẻ đi. Việc cho phép nhiều nhà đầu tư có mức tiền vừa phải sẽ tham gia nhiều hơn, làm tăng cầu chứng khoán, qua đó sẽ tác động làm tăng giá chứng khoán.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc thưởng cổ phiếu là con dao hai lưỡi. Một mặt, thu hút nhà đầu tư, tăng vốn cho DN, mặt khác, tỷ lệ càng cao thì giá cổ phiếu càng bị pha loãng, khiến giá trị nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi tăng số lượng cổ phiếu hoàn toàn trở nên vô nghĩa. “Trong chừng mực nào đó, việc phát hành cổ phiếu thưởng giống như DN chia nhỏ cổ phần để giá mỗi cổ phiếu sau khi chia nhỏ sẽ giảm xuống, tạo tính thanh khoản trên thị trường. Thưởng cổ phiếu là một nghiệp vụ làm tăng số lượng cổ phiếu, chứ không làm gia tăng giá trị vốn cổ phần” - một chuyên gia phân tích cho hay.

Như vậy, việc trả thưởng không làm thay đổi giá trị kinh tế của DN phát hành và cổ đông. Bởi việc tăng số lượng cổ phiếu có làm tăng hay giảm giá trị cổ phiếu hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào quan hệ cung cầu của cổ phiếu đó và thị trường nói chung. Và lời khuyên cho các nhà đầu tư là nên chọn những cổ phiếu của các DN có các chỉ số tài chính tốt, thận trọng trước các quyết định mua vào cổ phiếu đón “sóng” thưởng cổ phiếu. Nếu DN có các chỉ số tài chính kém, nhu cầu thị trường không có thì thị giá cổ phiếu rất có thể đi xuống và nhà đầu tư không những không lãi khi “lướt sóng” chia thưởng mà còn thủng túi.