Đó là ngôi nhà cổ ở số 128 ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Trăm Cột có diện tích 882m2 nằm trong khuôn viên rộng 4.886m2, được xây dựng từ năm 1901-1903 hoàn thành.
Chủ nhân ngôi nhà là ông Trần Văn Hoa, thời điểm xây nhà là Hương sư làng Long Hựu, tỉnh Gia Định (về sau làm Hội đồng quản hạt Chợ Lớn), người dân địa phương thời đó gọi là Nhà ông Hội đồng hoặc Nhà ông cả.
Nhà Trăm Cột đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1997.
Nhà Trăm Cột có 3 gian, 2 chái đôi nên được xem là nhà 5 gian 2 chái. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, nền nhà lát gạch lục giác. Các bộ bàn ghế trong nhà đều được sắp xếp theo hướng ngồi “nam tả, nữ hữu” (trai bên trái, gái bên phải), giữa nhà là bộ trường kỷ dành cho người lớn tuổi trong gia đình ngồi, cạnh đó là bộ ghế salon thúng (bàn hình tròn, ghế hình những chiếc thúng) và bộ phản, tất cả đều làm bằng các loại gỗ quý như: Gõ đỏ, cẩm lai, mun, thao lao...
Dù gọi là Nhà Trăm Cột, nhưng bà Trần Thị Ngỏ (cháu ngoại ông Trần Văn Hoa) cho biết: “Thực tế ngôi nhà có tới 120 cột, gồm 68 cột tròn và 52 cột vuông nằm rải rác trong các bức vách. Trong nhà dùng nhiều loại gỗ: Gõ đỏ, cẩm lai, mun... Sau khi xây xong ngôi nhà, ông ngoại tôi mời 15 nghệ nhân ở Huế vào chạm trổ mất thêm 3 năm”.
Một cán bộ Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh chia sẻ, Nhà Trăm Cột là công trình kiến trúc, điêu khắc cổ, với những đường nét hoa văn, chạm khắc tinh tế mang đậm phong cách nhà rường Huế ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến hiện nay. Với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ (gõ đỏ, cẩm lai, mun…), Nhà Trăm Cột có kiến trúc kiểu xuyên trính: một kiểu thức truyền thống, phổ biến và ưu điểm, điển hình cho kiến trúc nhà dân dụng của tầng lớn trên ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt, về nghệ thuật điêu khắc trong kiến trúc, những tác phẩm chạm gỗ ở Nhà Trăm Cột thể hiện trình độ cao của nghệ nhân từ bố cục, xử lý kỹ thuật cũng như cách trình bày đa dạng và sinh động.
Cũng theo vị cán bộ Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, nhà rường Huế thể hiện rõ trên các chi tiết trang trí ở các đầu cột, chồng rường, con tiện với mô típ tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”. Ở ngôi Nhà Trăm Cột cũng được lợp bằng ngói âm - dương, các cây cột cao bằng gỗ gõ đỏ được dựng dọc theo đường biên nhà; hệ thống cột nhà, trần, vách... được chạm lộng, chạm nổi, chạm bong kênh rất công phu với hoa lá rất tinh xảo.
Ngoài những mô típ cổ điển này, yếu tố Nam Bộ cũng được chủ nhân đưa vào khắc họa đậm nét bên cạnh những đồ án mỹ thuật phương Tây. Về kỹ thuật chạm khắc trong Nhà Trăm Cột là một tập hợp phong phú các kỹ thuật với thủ pháp điêu luyện và chắc tay của nghệ nhân, đó là chạm khắc những loại hoa quả: Mãng cầu, khế, măng cụt, bình bát…, trên các mảng gỗ trang trí.
Ngoài ra, xung quanh Nhà Trăm Cột có không gian khá rộng, đó là mảng vườn xanh mướt, phía trước là khoảng sân rộng tạo sự thông thoáng. Toàn bộ khung gỗ ngôi nhà được đặt trên nền đắp cao bằng đá tảng để chống ẩm mốc.
Còn theo bà Trần Thị Ngỏ, vì ngôi Nhà Trăm Cột có kiến trúc độc đáo, được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, nên rất nhiều đoàn làm phim đã về đây nhiều tháng để thực hiện những bộ phim truyền hình nhiều tập: “Đoạn trường Nam ai”, “Tiếng sét trong mưa”…