Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Không chỉ là câu chuyện cạnh tranh nước lớn

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, là phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và có những quan điểm, lợi ích song trùng với phía Mỹ về khu vực này.

Đó là nhận định của một số chuyên gia trong và ngoài nước, trong bối cảnh Chiến lược được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gần đây.

Động lực và cách tiếp cận của chiến lược

“Nếu nhìn vào bản đồ khu vực thì ASEAN là trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Jim Loi- Giám đốc điều hành của The Asia Group dẫn chứng khi chia sẻ về Chiến lược.

Với quan hệ thương mại đã kéo dài khoảng 200 năm với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất vào Đông Nam Á với các công ty và tập đoàn Mỹ hoạt động tại khu vực này đã hơn 100 năm.

Ông Jim Loi- Giám đốc điều hành của The Asia Group
Ông Jim Loi- Giám đốc điều hành của The Asia Group

“Đầu tư, không giống như thương mại, cần niềm tin và sự gắn kết lâu dài,” chuyên gia của The Asia Group- người từng có 22 năm công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

Hiện Mỹ đầu tư vào khu vực này hơn 1.000 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhận được đầu tư lớn nhất. Chính phủ Việt Nam cũng có cách tiếp cận chiến lược trong thu hút đầu tư nước ngoài và đảm bảo thành công của họ khi đầu tư tại đây, ông Jim Loi chia sẻ.

Từ những nền tảng về niềm tin và kỳ vọng tăng cường hợp tác thương mại đầu tư vào khu vực này, theo ông Jim Loi, đã phần nào thúc đẩy Washington đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây được coi là một trong những cách tiếp cận của Mỹ nhằm đảm bảo hòa bình ổn định tại khu vực, duy trì đường hàng không, hàng hải rộng mở... để các hoạt động thương mại không bị cản trở và nhằm các luật lệ quy định, cấu trúc hình thành hơn 70 năm qua sau thế chiến II sẽ được duy trì để thúc đẩy thương mại.

Cụ thể hơn, chính quyền Mỹ cho rằng, những thách thức chung không thể được giải quyết bởi 1 quốc gia mà cần sự hợp tác tập thể của các đối tác như Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực. Do đó, trong chuỗi hành động đầu tiên thuộc khuôn khổ chiến lược, Mỹ sẽ hiện đại hóa, tăng cường hợp tác với các đối tác; các tổ chức đa phương trong khu vực trong khu vực như ASEAN, QUAD, hình thành quan hệ đối tác mới như AUKUS.

Mỹ cũng sẽ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực phát triển với các đối tác, trong đó có Việt Nam với cách tiếp cận đa chiều, đa diện, bao gồm cả phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, tăng cường ngoại giao Nhân dân, du lịch, giáo dục, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước trao đổi đầu tư…

Chiến lược không nhằm kiềm chế Trung Quốc

Các chuyên gia cũng chia sẻ, trong văn bản của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có đoạn khẳng định, quan hệ Mỹ - Trung là cạnh tranh chiến lược, trong đó nước Mỹ sẽ “cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”, đồng thời ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, bác bỏ hành vi của Trung Quốc làm xói mòn trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm cả khu vực Biển Đông và các vùng biển ở khu vực này.  

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) công bố ý tưởng về IPEF tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10/2021. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) công bố ý tưởng về IPEF tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10/2021. Ảnh: AP

“Mỹ đầu tư hay quan tâm khu vực này vì lợi ích quốc gia cũng như hệ thống trật tự dựa trên luật lệ, nhằm đảm bảo tăng trưởng hợp tác phát triển khu vực. Do đó, nước Mỹ không ép các quốc gia phải chọn bên và cách tiếp cận không phải nhằm kiềm chế Trung Quốc,” ông Jim Loi nói.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Phạm Quang Vinh lưu ý, nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Australia và bản thân ASEAN chia sẻ các quan điểm với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua 3 điểm chung:  Mong muốn khu vực hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng; Thúc đẩy hợp tác nhằm ứng phó những thách thức đồng thời đạt mục tiêu vì lợi ích chung và cuối cùng, rất quan trọng, là Đảm bảo thượng tôn pháp luật, luật lệ dựa trên pháp luật.  

Trong Chiến lược cũng nhấn mạnh việc Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với đối tác và đồng minh ở khu vực, coi trọng vai trò trung tâm ASEAN. Điều đó thể hiện ở việc Mỹ không yêu cầu các quốc gia ở khu vực đặc biệt là Đông Nam Á phải chọn bên và những sáng kiến về an ninh và kinh tế đưa ra trong khuôn khổ Chiến lược được các nước tự chọn vì lợi ích mỗi nước.

Cũng cùng quan điểm đó, ông Jim Loi khẳng định, Mỹ muốn đảm bảo các sáng kiến hay các hoạt động tại đây đều mang giá trị cho các nước trong khu vực, thông qua chiến lược này. Cụ thể, chuyên gia này đề cập tới Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), một sáng kiến kinh tế do Chính quyền Biden dẫn đầu, khởi động tham vấn hôm 24/5 vừa qua.

Khuôn khổ này sẽ xem xét những thách thức các nền kinh tế phải đối mặt trong thế kỷ 21, tập trung vào các vấn đề chưa xử lý được trong quá khứ. Ví dụ như lĩnh vực kinh tế số phát triển nhanh nhưng lại thiếu đề cập và xử lý trong các hiệp định thương mại hiện nay, nằm trong trụ cột đầu tiên của IPEF.  

Bên cạnh đó 3 trụ cột còn lại bao gồm đảm bảo chuỗi cung ứng, các bên tham gia sẽ chia sẻ thông tin đảm bảo các loại mặt hàng, chuỗi cung ứng tương lai; trụ cột về năng lượng sạch, chuyển đổi carbon; trụ cột về chống tham nhũng, minh bạch... cũng rất quan trọng với nhà đầu tư.

Các bên tham gia sẽ cùng thảo luận các nguyên tắc liên quan, có thể lựa chọn tham gia bất kỳ trụ cột nào hoặc cả 4.  

Khả năng Mỹ quay lại khu vực với IPEF

Chia sẻ về bối cảnh hiện nay, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam có khu vực mậu dịch tự do với ASEAN, hay rộng hơn với các nước khác trong khu vực qua RCEP và cả thông sang châu Âu với EVFTA, phần sang Mỹ vẫn còn thiếu.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Phạm Quang Vinh. 
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Phạm Quang Vinh. 

Trong khi đó, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đứng thứ hai trong tổng quan thương mại của Việt Nam - trị giá 120 tỷ USD, cho thấy không gian hợp tác, tính chất bổ sung và vai trò quan trọng lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.

Về lĩnh vực thương mại - kinh tế, trong 27 năm thiết lập quan hệ mới có Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) mới dừng ở mức bình thường hóa quan hệ kinh tế và Thỏa thuận Việt Nam- Hoa Kỳ trước khi Việt Nam tham gia WTO.

Mặt khác, với IPEF, “lần đầu tiên có một sáng kiến, một cuộc thương lượng mà các nước có vai trò đưa ra ý kiến của mình ngay từ đầu. Chúng ta muốn có gì từ cái này, quyền đưa ra là của chúng ta,” Đại sứ Vinh chia sẻ.

Về hai vấn đề tiêu chuẩn cũng như phương thức vận hành của IPEF, ông Vinh cho biết, những yêu cầu của khung khổ này có khả năng tương đương TPP và thậm chí thấp hơn do chưa phải FTA, chưa mở cửa thị trường hay cần cam kết để vào thị trường. Bên cạnh đó, trong thành phần tham gia có những nước chưa tham gia TPP trước đây, như Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan…

Theo ông Vinh, đặc thù của hợp tác kinh tế thương mại kinh tế và thương mại Mỹ là chính phủ đi trước tạo hành lang chính sách đủ độ tin cậy, hấp dẫn để khu vực tư nhân, các nhà đầu tư doanh nghiệp lựa chọn vào sau. Nếu IPEF đạt kết quả, Việt Nam cũng như các nước tham gia khác có thể đạt điểm hài hòa chính sách với Mỹ, từ đó thúc đẩy lòng tin và hành động của các nhà đầu tư Mỹ.

“Không loại trừ khả năng đây là cơ hội để Mỹ quay lại một TPP’, TPP 2.0”, Đại sứ Vinh gợi mở.  

 

 

 

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần