Đây cũng là chủ đề chính được các chuyên gia, nhà đầu tư BĐS bàn luận, phân tích tại Hội thảo “Gia tăng giá trị bất động sản” diễn ra ngày 12/12.
|
Khách hàng tham khảo thông tin dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Ngoài tác động nội tại về tăng trưởng dân số dẫn đến nhu cầu về chỗ ở, việc các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc đã mang lại nguồn cung tương đối lớn cho thị trường BĐS. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), riêng 9 tháng đầu năm 2018 tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS đạt 5,9 tỷ USD bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh vốn, chiếm 24,2% tổng số vốn đầu tư FDI. Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, đối với thị trường BĐS, yếu tố quan trọng nhất là sự cân bằng giữa cung - cầu.
"Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn để đầu tư kinh doanh bất động sản, do nhu cầu về bất động sản như nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng... của Việt Nam vẫn còn rất lớn." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam |
Về phía cầu, Việt Nam có quy mô dân số khoảng 96 triệu dân, trong thời gian tới sẽ tăng lên mức 120 triệu, mỗi năm tăng dân số khoảng 1 triệu người. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang ở mức trên 35% năm 2017 (bình quân tăng khoảng 0,8%/năm). Trong khi đó, xu thế hộ gia đình có quy mô nhỏ từ 2 - 4 người ngày càng nhiều chiếm tới 65% trong tổng số 25,5 triệu hộ gia đình vào đầu năm 2018. “Đây là nguồn cầu về nhà ở rất lớn cho thị trường bất động sản” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
“Liên kết vùng” giải pháp chiến lượcCũng theo ông Nguyễn Trần Nam, bên cạnh vấn đề nguồn cầu lớn, thị trường BĐS trong thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực, làm thay đổi diện mạo các đô thị và nâng cao đời sống cho người dân. Cả nước hiện có 2,1 tỷ m2 nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,7m2 vào tháng 6/2018, thị trường BĐS cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bên cạnh những kết quả đã đạt được, không ít dự án BĐS tỷ đô sau nhiều năm vẫn bị bỏ trống, không có dân cư sinh sống, xuất hiện những khu đô thị “chết”, kém hiệu quả về sử dụng nguồn đât đai, tiền đầu tư của Nhà nước, DN. Vì vậy, để giải quyết được những vấn đề nội tại này thì cần phải có “chiến lược gia tăng giá trị BĐS”.
Giám đốc điều hành EnCity Nguyễn Đỗ Dzũng cho biết, quan trọng nhất là phải có sự “liên kết vùng”. Qua đó sẽ giúp người dân thay đổi quan điểm về khoảng cách đem lại sự thuận tiện, an toàn cho cư dân, giảm sự phụ thuộc vào xe cá nhân và giảm áp lực giao thông lên các tuyến phố của đô thị. “Chiến lược liên kết vùng sẽ là nhân tố thúc đẩy các dự án ở vùng ngoại thành, giảm áp lực lên khu vực nội đô. Khi có sự liên kết tốt giữa các vùng, người dân cũng sẽ thay đổi tâm lý về khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc, các sản phẩm BĐS cũng dễ dàng thanh khoản hơn” - ông Nguyễn Đỗ Dzũng nói.
Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Schneider Electric tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar Yoon Young Kim cho biết, ngoài vấn đề về “liên kết vùng” thì việc áp dụng “công nghệ số” sẽ góp phần tích cực vào việc gia tăng giá trị cho sản phẩm BĐS. Những căn hộ thông minh được tích hợp các tiện ích của công nghệ số thông qua mạng internet nối với các thiết bị như máy tính bảng, smartphone... sẽ giúp cho chủ sở hữu dễ dàng hơn trong việc quản lý và sử dụng căn nhà của mình. Vì vậy, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã tập trung khai thác dòng sản phẩm căn hộ thông minh như một xu thế tất yếu của thị trường.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào các dòng sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở cũng góp phần gia tăng giá trị BĐS. Tổng Giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam Stephen Wyatt nhận định, bên cạnh việc tập trung vào phân khúc căn hộ cao cấp, nhà đầu tư cũng cần phải chú ý chuyển đổi sang mô hình phát triển các dự án căn hộ bền vững. Tức là xu hướng chuyển dịch tới các căn hộ dành cho người thu nhập thấp và trung bình, trong đó có nhà ở xã hội.