Chiến lược lâu dài

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần xác định cuộc chiến với dịch Covid-19 còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp để sống chung với dịch; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.

Quan điểm được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra trong cuộc cuộc làm việc với các địa phương thể hiện một cách nhìn phù hợp với thực tế hiện nay, bởi nhìn từ thực tế trong nước cũng như thế giới, việc khống chế tuyệt đối được dịch bệnh dường như đang là chưa thể.
“Sống chung với dịch” là quan điểm đã từng được đặt ra, bởi sau đợt dịch này lại đến một đợt dịch khác, nhiều khi không thể đoán trước, không thể dự báo. Tại một số địa phương, dịch đi qua, lại xuất hiện ổ dịch mới. Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực” hiệu quả nhưng với đợt dịch thứ 4, sự xuất hiện của các biến thể mới, tốc độ lây lan chóng mặt đã khiến số ca mắc mới tăng nhanh chóng.
Đáng chú ý, dịch đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, bệnh viện, nơi tập trung đông người... Số ca mắc nhiều, gây quá tải về hệ thống y tế. Việc giãn cách, phong tỏa kéo dài một thời gian, cũng tạo nên những sức ép nhất định cho đời sống xã hội.

Như người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh, phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài. Quan điểm này nhận được nhiều sự đồng tình, bởi trong bối cảnh hiện nay và những kịch bản dự báo thời gian tới về diễn biến của dịch, của tình hình kinh tế - xã hội, rất cần những giải pháp để sẵn sàng "sống chung với dịch" thay vì chỉ “đuổi theo dịch”.
Bởi khi Covid-19 “tấn công” sẽ gây ra tình trạng kinh tế bị đình đốn, không sản xuất được, không lưu thông hàng hóa được, kéo theo hậu quả rất đáng lo là thu nhập người lao động giảm, tình trạng thất nghiệp cao, gây bất ổn xã hội.

Việc có những giải pháp linh hoạt “chung sống với dịch” trên một chiến lược lâu dài chống dịch trong giai đoạn mới là rất cần thiết. Nhiều giải pháp đã được gợi mở từ thực tế, trong đó quan trọng nhất ngoài đẩy nhanh tiêm vaccine, rất cần cộng đồng thay đổi những thói quen, hành vi, nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19 cũng như ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến cam go này.

Nhưng để bước vào giai đoạn “chung sống với dịch” ấy, việc tiếp tục quán triệt tinh thần thần tốc, quyết liệt, "khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh"; cách ly khu vực có nguy cơ, kiểm soát các nguồn lây để chủ động chống dịch là công việc trước mắt phải thực hiện tốt hơn. Việc các địa phương lựa chọn biện pháp giãn cách xã hội, lấy xã, phường làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ trong phòng, chống dịch là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Nhưng “đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại, phải kiểm soát được tình hình trong thời gian giãn cách, đạt kết quả chống dịch thành công” như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói. Bởi thực tế, việc giãn cách ở một số nơi vẫn chưa nghiêm, còn không ít sơ hở, tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” đang hiện hữu.
Như tại Hà Nội, các chùm ca bệnh mới tại quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa đều xuất hiện ở nơi có mật độ dân cư cao, với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau. Việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc, ngay cả các khu vực đã được phong tỏa. Đây là một mối lo không nhỏ, dễ làm phí thời gian giãn cách xã hội.
Việc xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp thực tiễn, rất cần những giải pháp trước mắt trên tinh thần làm mạnh, làm nghiêm để “cắt đuôi dịch” và tính đến những phương án tiếp theo dài hơi hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần