“Quay cuồng” với ổ dịchNgay từ giai đoạn đầu của đợt dịch lần thứ 4, cán bộ, nhân viên y tế quận Thanh Xuân đã liên tiếp vào cuộc giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý ổ dịch liên quan đến Đà Nẵng. Ổ dịch có nhiều ca bệnh trong đợt đầu tiên từ ngày 1/5 đó là ổ dịch tại tòa nhà Central Point, 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính liên quan đến vợ chồng Thanh Huyền. Đợt đó, 6 đội phản ứng nhanh của quận đã luân phiên, tăng cường điều tra, giám sát, xử lý.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Cường tâm sự: “Đôi khi, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định bởi thông tin từ ca bệnh không được đầy đủ. Có những ca bệnh, chúng tôi liên hệ với họ để lấy thông tin nhưng họ không hợp tác vì lo sợ. Đó là chưa kể, trong công tác đưa người đi cách tập trung... Thế nhưng, sau những nỗ lực, cố gắng, trong vòng gần một tháng, chúng tôi đã xử lý dứt điểm ổ dịch, không còn ca bệnh phát sinh thêm”.Bác sĩ Cường hay bất cứ y bác sĩ nào TTYT quận Thanh Xuân cũng sẽ không quên những ngày lăn lộn chống dịch tại ổ dịch Thanh Xuân Trung (ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi), ổ dịch lớn nhất Thủ đô. Ngay sau khi, địa bàn phát hiện 2 ca cộng đồng từ việc lấy mẫu cho các trường hợp ho sốt, bác sĩ Cường cùng lực lượng y tế nơi đây đã khẩn trương vào cuộc điều tra, khoanh vùng toàn bộ khu vực ngõ 328, 330. Khi triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng gần 2.000 mẫu, lực lượng y tế phát hiện nhiều ca F0.
Ngay lập tức, ổ dịch này được triển khai báo động và tập trung các phương tiện, con người để xử lý ổ dịch đó.Những ngày chống dịch ở ổ dịch Thanh Xuân, hầu như ngày nào lực lượng y tế cũng phải huy động ít nhất 3 đến 4 đội phản ứng nhanh, tập trung vào đó để làm nhiệm vụ. “Đến nay, chúng tôi phát hiện 922 ca F0 trên toàn bộ quận Thanh Xuân. Trong đó, ổ dịch Thanh Xuân Trung là 556 ca F0. Cho đến thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10, ổ dịch Thanh Xuân Trung đã kết thúc. Thế nhưng, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực, cố gắng hết sức có thể, chống dịch với tinh thần cao nhất” – bác sĩ Cường chia sẻ.Làm việc cả đêm Với cương vị là Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, có lẽ áp lực lớn nhất bác sĩ Cường là làm sao điều tra thật kỹ, phát hiện nhanh chóng các ca bệnh. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nên ngay từ đầu, cán bộ y tế ở khoa, TTYT cũng xác định là cống hiến hết mình cho công tác chống dịch. Dù còn đó những khó khăn khi nhiều cán bộ, nhân viên y tế gia đình ở xa, có con nhỏ, hoàn cảnh éo le, khi đó, bác sĩ Cường cùng đồng nghiệp trong khoa lại “xắn tay” lo lắng, quan tâm, giúp đỡ, động viên anh em kịp thời.
Trong thời gian chống dịch, nhìn anh em vất vả, lăn lộn với công việc, thực sự bác sĩ Cường thấy thương anh chị em vô cùng. Nhiều khi 1, 2 giờ sáng, lực lượng y tế vẫn đi làm ngoài đường là “chuyện như cơm bữa”. Họ vẫn phải điều tra, truy vết, vận chuyển mẫu xét nghiệm, đưa người đi cách ly hoặc xuống khu cư dân phối hợp với chính quyền mời các trường hợp liên quan đi cách ly, nửa đêm đến gần sáng, bất kể giờ giấc, cứ lúc nào có thông báo là họ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Từ khi nhận nhiệm vụ chống dịch, ở lại cơ quan làm việc, xa gia đình, xa vợ con, đằng sau mỗi ca trực, đâu đó, những “người anh hùng áo trắng” quận Thanh Xuân cũng thầm lau nước mắt, cũng chợt tranh thủ vài phút ngơi tay để nhớ nhung gia đình.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ chống dịch Covid-19 với tinh thần cao nhất, mong muốn dịch bệnh nhanh chóng sẽ được đẩy lùi. Chúng tôi cũng rất cảm động khi nhận được sự động viên hết lòng từ gia đình và đồng nghiệp. Nhiều lúc nghĩ cũng tội cho các con, cứ suốt ngày gọi điện hỏi bao giờ bố về? Bố về sớm với con. Trong lúc ấy, tôi lại động viên các con bảo bố làm xong việc, bố sẽ về…” – bác sĩ Cường chia sẻ.