Ngày 7/5/1954, nước Pháp chấn động trước tin quân đội của họ bị quân và dân Việt Nam đánh bại ở Điện Biên Phủ.
Trận chiến khiến Pháp buộc phải ký vào Hiệp định Geneve 2 tháng sau đó, công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia, lập lại hòa bình và chấm dứt chế độ thuộc địa ở Đông Dương.
“Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ luôn là một trong những chương quan trọng nhất trong lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới,” Pierre Asselin, Giáo sư Sử học tại Đại học bang San Diego (Mỹ) chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Đoàn kết – chìa khóa hàng đầu
Trước các đợt tấn công của quân đội Việt Minh, quân Pháp đã xây dựng cụm căn cứ Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm, theo Kế hoạch Nava năm 1953.
Kế hoạch tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành cụm căn cứ mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương.
Khi đó, các tướng lĩnh Pháp ca ngợi cụm căn cứ Điện Biên Phủ, với tham vọng tiêu diệt phần lớn quân đội Việt Nam trong vòng 18 tháng. Họ coi Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm” và tin chắc rằng nó “sẽ khiến Việt Minh thất bại nặng nề”.
Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể kể ra nhiều yếu tố nhưng truyền thống đoàn kết, yêu nước được coi là chìa khóa quyết định cho thành công của chiến dịch.
"Chiến thắng Điện Biên Phủ có sự đóng góp to lớn từ sự tham gia đông đảo của lực lượng dân quân," Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales nhận định.
Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự khó khăn của việc đấu tranh chống thực dân Pháp, nhưng Bác tin rằng tất cả sẽ phát huy được ý chí, sức mạnh và lòng quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
GS Pierre Asselin cũng bày tỏ ấn tượng trước sức mạnh đại đoàn kết của Việt Nam được thể hiện trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng chục nghìn dân công đã tham gia để vận chuyển vật tư, trong đó có lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Chỉ riêng các lực lượng dân công ở tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp cho tiền tuyến 9.000 tấn gạo, trong khi lực lượng tỉnh Lai Châu đóng góp 2.666 tấn gạo và 226 tấn thịt cho Điện Biên Phủ...
"Điều đó thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cũng như quyết tâm và đoàn kết của toàn dân và quân Việt Nam, chung tay vì mục tiêu đấu tranh kiên cường, bất khuất," GS Pierre Asselin nhấn mạnh.
Chiến thuật khôn ngoan và mạnh mẽ
Sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân tố then chốt dẫn đến chiến thắng của Việt Nam, theo giới phân tích quốc tế.
TS Nicholas Chapman từ Đại học Quốc tế Nhật Bản đề cập đến vai trò của trận Na Sản năm 1952, đã mang lại những bài học quan trọng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lực lượng quân đội Việt Minh. Chiến lược “con nhím” do Pháp triển khai đã khiến Việt Minh không thể giành chiến thắng ở Nà Sản, nhưng ở Điện Biên Phủ thì tình hình đã khác.
“Ông [tướng Giáp] đã thay đổi chiến thuật, nâng cao tinh thần để bảo đảm thành công,” GS Carl Thayer nói với Kinh tế & Đô thị.
“Về cơ bản, Tướng Giáp đã để quân Pháp tiến vào Điện Biên Phủ mà không bị cản trở trong khi lặng lẽ điều động lực lượng”, chuyên gia Chapman cho biết.
Trong thời gian chuẩn bị, lực lượng quân đội Việt Nam đã tập trung nâng cao tinh thần quân đội và huấn luyện. Họ đã được đào tạo chiến thuật du kích, chiến tranh bao vây và chiến tranh trên núi, chuẩn bị cho những thử thách trong trận chiến 56 ngày đêm, theo TS Chapman.
“Họ bao vây thung lũng một cách chiến lược, cắt đứt mọi con đường trốn thoát của quân Pháp. Khi giao tranh nổ ra, cách bố trí lực lượng chiến lược cùng với chiến thuật du kích hiệu quả đã nhanh chóng áp đảo quân Pháp,” học giả Anh giải thích.
Bên cạnh đó, khả năng của lực lượng Việt Minh trong việc khai thác lợi thế địa hình hiểm trở và dốc xung quanh Điện Biên Phủ đã trở thành một yếu tố then chốt khác dẫn đến chiến thắng.
Cảm hứng cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới
Theo các học giả đánh giá, tiếng vang của chiến dịch Điện Biên Phủ có tác động và ảnh hưởng to lớn, là tấm gương sáng cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
TS Chapman nhận định, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành một trong những hình mẫu tiêu chuẩn cho các phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức và thuộc địa trên khắp thế giới.
“Thắng lợi [Điện Biên Phủ] minh chứng cho phong trào kháng chiến với sự quyết tâm và chiến lược tốt có thể đánh bại một thế lực thực dân,” Chuyên gia người Anh giải thích.
Chiến thắng là biểu tượng hy vọng của chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. "Đó là minh chứng cho thấy ngay cả trước kẻ thù vượt trội về binh lực và hỏa lực, độc lập và giải phóng vẫn có thể đạt được thông qua sự kiên trì, hoạch định chiến lược và đoàn kết," ông Chapman nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia đã tìm được con đường cách mạng, tự do cho mình ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có Cuba. Cuộc cách mạng thành công vào năm 1959 được cho là có động lực thúc đẩy to lớn từ chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam.
Giáo sư Asselin, người từng có thời gian nghiên cứu tại Viện lưu trữ quốc gia Algeria, khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Minh là nguồn cảm hứng lớn và trực tiếp cho các chiến sĩ giải phóng dân tộc ở Algeria năm 1954.
“Nhìn lại lịch sử giải phóng thuộc địa, không có chiến thắng nào trước chủ nghĩa thực dân/đế quốc nước ngoài ngoạn mục hơn, quan trọng hơn, quyết định hơn chiến thắng của Việt Minh trước kẻ thù tại Điện Biên Phủ,” nhà sử học người Mỹ khẳng định.
Cùng quan điểm đó, TS Chapman khẳng định Mặt trận Dân tộc Giải phóng Algeria đã rút ra bài học từ chiến thuật, chiến lược của Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập của mình. Cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria bắt đầu cùng năm với chiến thắng Điện Biên Phủ.
"Cuộc cách mạng đó lấy rất nhiều cảm hứng từ Điện Biên Phủ,” học giả này nhận định.