Chiều 20/7, Chủ tịch Quốc hội khóa XV sẽ tuyên thệ trước Quốc hội

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày mai, 20/7, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo dự kiến chương trình Kỳ họp, chiều 20/7, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội khóa XV sẽ tuyên thệ trước Quốc hội theo quy định của Hiến pháp.

Kiện toàn 50 chức danh trong bộ máy nhà nước
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV sẽ họp tập trung tại phòng họp Diên Hồng với tinh thần tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất. Chương trình Kỳ họp được rút ngắn 5 ngày, làm việc vào cả ngày nghỉ cuối tuần, dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 31/7, thay vì bế mạc vào ngày 5/8 như dự kiến trước đây.
Đây là Kỳ họp có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu các chức danh nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh:Quochoi.vn
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự với 50 chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Cụ thể Quốc hội quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội cũng bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.
Trong đó, điểm đáng chú ý lần này cơ cấu Chính phủ được quyết định tại Kỳ họp sẽ gồm 27 thành viên, giảm 1 Phó Thủ tướng so với nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Quyết định sớm các kế hoạch phát triển cho 5 năm tới
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là Kỳ họp rất quan trọng, diễn ra giữa hai nhiệm kỳ và thực hiện theo các quy định mới của pháp luật. Theo đó, các kỳ họp đầu tiên của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, chỉ tập trung làm công tác nhân sự và cho ý kiến về chương trình giám sát, nghe báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV,  ngoài việc thực hiện quy trình nhân sự, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và quyết định các kế hoạch kinh tế, xã hội, kế hoạch tài chính, ngân sách, đầu tư công, hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trong 5 năm tới.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp 58 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Quyết định chủ trương đầu tư 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thông qua sớm sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ trong việc triển khai, điều hành cụ thể. Nếu Quốc hội thông qua chậm thì rõ ràng lĩnh vực về đầu tư công và các lĩnh vực quan trọng khác sẽ gặp nhiều khó khăn và thực hiện chậm hơn. “Đây là các vấn đề quan trọng, làm cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội, thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo luật định và quyết định càng sớm thì càng thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đồng bộ”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Để chuẩn bị cho an toàn của Kỳ họp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.
 Quang cảnh Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn
Trong đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đại biểu phải thực hiện nghiêm quy định: Không tổ chức giao lưu, không rời khỏi nơi cư trú và nơi họp Quốc hội. Đại biểu nào có việc rời khỏi nơi cư trú phải báo cáo và phải được sự cho phép của trưởng đoàn. Trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm và đảm bảo về sự an toàn này. "Về nguyên tắc, người ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khi về Hà Nội (nếu là công dân bình thường thì phải cách ly) nhưng đối với các đại biểu Quốc hội, khi đã xét nghiệm, có kết quả âm tính, đã tiêm vaccine thì được về dự họp bình thường. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Văn phòng Quốc hội đã bố trí các đoàn này ở riêng khách sạn. Các đại biểu này khi đến Hội trường Nhà Quốc hội để họp đi bằng phương tiện riêng. Khi vào trong hội trường cũng đi lối riêng và ngồi trong hội trường ở khu vực riêng"- Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết.
Hiện Văn phòng Quốc hội đã có phương án dự phòng, nếu phát hiện những đại biểu có biểu hiện như ho, sốt, khó thở... sẽ có phòng họp riêng để cách ly nhưng vẫn được tham dự đầy đủ tất cả các nội dung của Kỳ họp và vẫn thực hiện các nhiệm vụ bỏ phiếu như bình thường. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho việc xét nghiệm, kiểm tra y tế sẽ tiến hành thường xuyên. Các đại biểu ở các địa phương đang thực hiện giãn cách, sau khi xét nghiệm 3 lần ở địa phương, khi về họp Quốc hội vẫn sẽ tiếp tục xét nghiệm 2 lần nữa để đảm bảo thật sự an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng bố trí trang thiết bị hiện đại nhất, như máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở, thành lập Bộ Chỉ huy trực thường xuyên để giải quyết những vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn cho Kỳ họp.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự. Cụ thể:

Ngày 20/7, các đại biểu sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 21/7, các đại biểu bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Sáng 22/7, trinh Quốc hội cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo dự kiến, Chính phủ nhiệm kỳ mới gồm 27 chức danh là Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ (giảm một Phó Thủ tướng so với hiện nay), 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Ngày 26/7, các đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước, sau đó Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để các đại biểu bầu Thủ tướng, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.

Ngày 28/7, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.