Chiều 30 Tết nhớ Hoàng Hiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi thường nhớ tới nhạc sĩ Hoàng Hiệp vào chiều cuối năm. Hà Nội lúc đó đang vắng dần...

Kinhtedothi - Tôi thường nhớ tới nhạc sĩ Hoàng Hiệp vào chiều cuối năm. Hà Nội lúc đó đang vắng dần những dòng xe xuôi ngược vội vàng. Nhưng trên phố vẫn còn những người cầm cành đào ngồi sau xe máy vội vã trở về nhà. Chợ hoa Hàng Lược vẫn tấp nập người bán người mua. Hồ Gươm lãng đãng mưa bụi. 

Khi đó, những câu hát trong bài “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp lại vang lên trong lòng: “Ôi nhớ chiều 30 Tết/ Chen giữa đào hoa tươi thắm/ Đường phố đông vui chờ đón Tân niên/ Là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người/ Hà Nội ơi!”. Bài hát được ví như “biên niên sử mini” về Hà Nội một thời.

1. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tuổi Tân Mùi (1931). Ông tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Tuy nhiên, mảnh đất Hà Nội đã gắn bó với ông suốt trong vòng 20 năm, khiến ông đã coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình, vì “Hà Nội đã cho tôi nhiều thứ: hạnh phúc gia đình cũng như sự nghiệp âm nhạc”.

 
Chiều 30 Tết nhớ Hoàng Hiệp - Ảnh 1
Tập kết ra Bắc từ năm 1954, chàng trai trẻ Lưu Trần Nghiệp đã yêu và cưới một cô gái Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam – nơi chôn nhau cắt rốn mà lòng vẫn còn vấn vương nhung nhớ nơi mình vừa ra đi. Nhưng lạ là, trong 20 năm ở Thủ đô, đã sáng tác cả trăm ca khúc trong thời gian này nhưng ông vẫn chưa có được bài hát ưng ý về Hà Nội. “Phải trở về miền Nam” ấy đã là “cơ sự” để trái tim Hoàng Hiệp luôn đau đáu nhớ về mảnh đất đã cưu mang, vun đắp cho ông một tình yêu, một gia đình yên ổn. Gần 10 năm sau ngày chia tay đất và người Hà Nội, năm 1984, đúng dịp cả nước kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Thủ đô, những tình cảm dào dạt trong ông về một Hà Nội xưa bỗng trào dâng mãnh liệt như một dòng chảy không gì cản được. Bài hát “Nhớ về Hà Nội” ra đời từ sự thăng hoa của cảm xúc, ghi lại trọn vẹn những tình cảm cũng như tình yêu tha thiết của nhạc sĩ về Hà Nội dấu yêu. Ngay từ câu đầu tiên của bài hát, tác giả đã khẳng định: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”
Chiều 30 Tết nhớ Hoàng Hiệp - Ảnh 2
2. Tôi nhớ có lần đã được nghe nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói chuyện âm nhạc. Ông tâm sự chân tình: “Đúng là tôi rất nhớ Hà Nội nên mới có bài hát này. Nhớ ban ngày, nhớ ban đêm. Nhớ mùa đông, nhưng nhớ nhất là mùa thu Hà Nội. “Hoa sữa thơm nồng” là có thật trong kỷ niệm riêng của tôi. Nhưng không phải cây sữa đường Nguyễn Du như người ta vẫn nhắc mà cây hoa sữa của tôi ở phố Bà Triệu kia, một cây rất to trước cửa đài bá âm…”
 
Nhưng có một nỗi nhớ khác khiến cho bài hát của ông rất chung mà lại rất riêng. Đó là nhớ về một cô gái Hà Nội của một thời “đạp xe trên phố”. Người con gái đó không ai khác là nghệ sĩ sân khấu Diễn Lan – người đã là vợ ông. Trong ca khúc “Nhớ về Hà Nội”, Hoàng Hiệp viết cho mọi người mà hóa ra lại viết cho chính mình. Ở đó, có rất nhiều hình bóng thân thương của người vợ ông qua những ca từ: “Nhớ từng con phố thâm nghiêm, với những đêm hoa sữa thơm nồng/ Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, bước chân năm tháng đi về/ Và nhớ…”. Nhạc sĩ từng tâm sự: “Đó là âm thanh quen thuộc mà mỗi sáng Chủ nhật, bà ấy bế con lên xe điện ra phố Thụy Khuê, ra đường Cổ Ngư. Giữa tiếng đạn bom, mà em vẫn đạp xe ra phố… Đó là mối tình của tôi với bà ấy”.
Chiều 30 Tết nhớ Hoàng Hiệp - Ảnh 3
Trong nỗi nhớ dịu dàng của nhạc sĩ, Hà Nội hiện ra với vẻ thâm niên cổ kính, với vẻ đằm thắm sâu trầm, với vẻ hùng tráng dũng mãnh và với cả vẻ yêu kiều của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nỗi nhớ trải dài từ những điều hết sức bình thường giản dị xung quanh đến những giá trị văn hoá lịch sử của một Hà Nội hằn sâu trong ký ức: Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây/ Tiếng ve ru những trưa hè/ Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối/ Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm, nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng/ Hồn nước non thiêng còn lắng đâu đây/ Dấu xưa oai hùng, Hà Nội ơi... Và cái hình ảnh đầy thương mến của cô gái “…vẫn đạp xe trên phố”, của anh chàng “…vẫn tìm âm thanh mới” ấy phảng phất hình bóng tác giả và người yêu thời tuổi trẻ.

Theo giáo sư – nhạc sĩ Ca Lê Thuần: “Hoàng Hiệp là người có trái tim dễ rung cảm trước vẻ đẹp của đất nước, con người. Trong hơn 100 ca khúc của anh luôn ẩn hiện hình bóng người con gái Việt Nam nhân hậu, hiền lành. Nói vui trong giới sáng tác của chúng tôi, khó có ai đếm hết những hình bóng giai nhân đã là nhân vật trung tâm của những bản tình ca, nhưng với Hoàng Hiệp, chỉ có một người con gái Hà Nội làm trái tim anh say đắm, thăng hoa. Đó chính là nghệ sĩ sân khấu Diễm Lan - người vợ cùng anh đi suốt sáu mươi năm tình nghĩa mặn nồng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có đời sống tình cảm ổn định hơn bất cứ nghệ sĩ nào mà tôi biết”. Còn nhạc sĩ Hồng Đăng thì nhận xét chí lý rằng: “Với Hoàng Hiệp, một tình yêu đủ làm nên hàng trăm tác phẩm trong khi nhiều người khác, hàng trăm tình yêu vẫn không có một tác phẩm đọng lại trong lòng công chúng”.
Chiều 30 Tết nhớ Hoàng Hiệp - Ảnh 4
3. “Nhớ về Hà Nội” là bài hát khá dài của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, với 4 lời. Nhưng đây là một trong những sáng tác tiêu biểu khắc đậm dấu ấn cá nhân của tác giả trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Bởi Hoàng Hiệp vẫn nổi tiếng là người có tài phổ thơ của các tác giả khác. Thậm chí có người từng nghĩ “ông là nhạc sĩ chỉ biết phổ thơ”. Nhưng với “Nhớ về Hà Nội”, một mình ông vừa viết lời và viết nhạc mà bài hát vẫn lay động hàng triệu trái tim. Người ta còn ví, “Nhớ về Hà Nội” như một “biên niên sử mini” ghi lại những hình ảnh sống động, hào hoa và đầy oanh liệt của quân và dân Hà Nội một thời. Ở đó là “một thời đạn bom, một thời hoa bình”. Ở đó, có anh dũng hi sinh và có tình yêu hào hoa tỏa ra hơi ấm. Và đến đoạn kết của ca khúc: “Ôi nhớ chiều ba mươi Tết, chen giữa đào hoa tươi thắm/ Đường phố đông vui chờ đón tân niên/ Là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người, Hà Nội ơi…” thì nhiều người đã không kìm nổi nước mắt. Nước mắt ngậm ngùi. Nước mắt của niềm vui. Và nước mắt của những niềm mong nhớ của những kẻ đãng xa mảnh đất kinh kỳ Thăng Long…

Với giai điệu trầm lắng, tha thiết, ca từ đẹp, giàu sức biểu cảm đã khiến “Nhớ về Hà Nội” ngay sau khi ra đời đã nhanh chóng bay xa khắp mọi miền đất nước. Không những thế, ca khúc còn là khúc tâm tình dào dạt nỗi nhớ niềm thương của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung đang sinh sống ở nước ngoài về Thủ đô yêu dấu. 

Có thể nói rằng ca khúc “Nhớ về Hà Nội” là tâm tình của nhạc sĩ Hoàng Hiệp dành tặng cho quê hương của người vợ thân yêu của ông. Trong số các ca sĩ đã thể hiện ca khúc này, thì người con gái Hà Nội – ca sĩ Hồng Nhung - được công chúng khẳng định là thành công hơn cả. Lúc hát bài này, Hồng Nhung còn rất trẻ, mới 17 tuổi. Nhưng giọng hát truyền cảm, sâu lắng của Hồng Nhung đã “thổi hồn” vào ca khúc cùng những tình cảm của người nhạc sĩ đến và ở lại trong lòng công chúng. Chính bản thu âm này đã từng được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trong suốt một thời gian dài. Với “Nhớ về Hà Nội”, Hồng Nhung chia sẻ, bài hát đã thành máu thịt của chị. “Đến bây giờ tôi không thể nhớ mình đã hát bao nhiêu lần ca khúc này trong quãng thời gian dài ca hát của mình. Trong số các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tôi chỉ hát duy nhất bài này nhưng nhạc phẩm trở thành máu thịt của tôi và tự nhiên khi mình hát thấy hợp luôn, quan trọng nhất là hợp về cái thần, hát lên thấy được cốt cách của người Hà Nội, cách sống, cách nghĩ của người Hà Nội, cái đấy khó phân tích lắm. Nó không ở trong một câu nào cụ thể, mà nó xuyên trong cả không khí bài hát, cả nhạc, cả lời. Khi hát, tôi thấy mình ở trong đó, tự hào và thấy có phần hùng tráng”, Hồng Nhung tâm sự.