Hàng trăm doanh nghiệp vi phạm
Trong năm 2012, hàng trăm doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường đã bị thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), lực lượng cảnh sát môi trường (C49 - Bộ Công An) phát hiện. Trong tổng số 429 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố được Tổng cục Môi trường thanh tra trong năm 2012, có đến 157 cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường với số tiền đề nghị xử phạt lên tới 32,7 tỷ đồng.
Trong những ngày đầu năm nay, lực lượng cảnh sát môi trường tiếp tục phát hiện hàng loạt doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Cụ thể, Công ty CP dệt may Sơn Nam (Nam Định) xả nước thải chất tẩy nhuộm độc hại chưa qua xử lý ra địa bàn khu dân cư; Công ty TNHH Italisa Việt Nam (Cụm công nghiệp Song Khê, Nội Hoàng, TP Bắc Giang) bị bắt quả tang và lập biên bản về hành vi xả thải chất độc hại bên ngoài khu vực nhà máy...
Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hợp
Đại diện Tổng cục Môi trường đánh giá, tình trạng xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép ra ngoài môi trường khá phổ biến. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa tự giác chấp hành, hợp tác với các cơ quan chức năng trong thẩm định chất lượng hệ thống xử lý nước, rác thải. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí mua sắm máy móc, trang bị hệ thống xử lý chất thải cao hơn so với chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để chịu xử phạt hành chính. Thực tế này diễn ra phổ biến trong thời gian qua, nhưng chưa có các biện pháp khả thi để khắc phục.
Trong lĩnh vực xử lý chất thải, do những khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như vì chỉ chú ý đến lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp không chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Ngoài việc không đầu tư xử lý chất thải theo đúng quy định, phương thức thủ đoạn của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi, cố tình gây ra các sự cố để xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Sự cố do cố ý của các doanh nghiệp để thoái thác hành vi vi phạm của mình lại là một hiện tượng "biến tướng" chưa từng có. Đó là những hành vi như cố tình làm vỡ hệ thống chứa, dẫn nước thải để xả khối lượng nước thải bị ứ đọng lâu ngày, gây ra việc ô nhiễm ở nguồn nước để đẩy vào thế đã rồi, và các doanh nghiệp tiếp tục xả thải…
Sẽ tiến hành thanh tra thường xuyên
Với những hành vi vi phạm nêu trên, thông qua thanh kiểm tra, ngoài việc xử phạt và buộc các doanh nghiệp khắc phục vi phạm theo quy định, thanh tra Tổng cục Môi trường đã đề nghị tước giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại đối với Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và dịch vụ Đại Phúc (TP Hồ Chí Minh; tạm dừng hoạt động 12 tháng đối với Công ty CP nguyên phụ liệu dệt may Bình An… Riêng chi nhánh Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Túy Hương, Tổng cục Môi trường đề nghị Sở TN&MT Hà Nội thu hồi giấy phép hành nghề đã cấp cho đơn vị này.
Để tiếp tục quản lý và ngăn chặn hành vi xả thải trái phép, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, căn cứ vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra về môi trường đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt, trong năm 2013, Tổng cục Môi trường sẽ tiến hành thanh tra thường xuyên 7 vấn đề trọng tâm trên lĩnh vực môi trường. Trong đó, tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở khai thác, chế biến và tàng trữ dầu khí, cũng như kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở hành nghề quản lý chất thải nguy hại, do Tổng cục Môi trường và địa phương cấp phép.