Chiêu lừa cũ, nhiều người vẫn “dính”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần đây, nhiều đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp bày ra nhiều chiêu như vờ đánh rơi tiền, ĐTDĐ, vật dụng đắt tiền… , sau đó đòi chung chi để lừa người đi đường. Người dân cần cảnh giác với các chiêu lừa này.

Bình cũ, rượu mới!

Thực chất đây là những trò lừa đảo "bình cũ, rượu mới", bởi nó đã xuất hiện từ những năm 1990, nay lại tái hiện lại.

Bà Trần Thị Cúc, 67 tuổi, trú tại phố Vọng chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc mình bị đối tượng lừa lấy đi chiếc dây chuyền 2 chỉ giữa tuần trước. Sớm ngày 1-12, khi đang trên đường ra chợ Đồng Tâm, đối diện siêu thị Fivimart Đại La để mua thức ăn, bất ngờ có một phụ nữ trạc 30 tuổi gọi giật giọng từ phía sau: "Bác Cúc ơi! Bác đi chợ sớm thế?". Chưa kịp định hình, người phụ nữ đã tiến lại gần, đon đả, rồi tuôn một tràng: "Dạo này sức khỏe bác thế nào? Bệnh khớp của bác đã đỡ chưa…?". Bà Cúc chỉ ú a, ú ớ: "Cũng đỡ đỡ rồi, nhưng cứ chuyển thời tiết là lại nhức lắm!". Thấy người phụ nữ có vẻ tỏ tường về mình, bà Cúc mở lòng chuyện trò. Sau hồi chuyện đi chuyện lại, bà Cúc leo lên xe máy của người phụ nữ lạ mặt chở đi. “Đến gần cổng Bệnh viện Thanh Nhàn, chị ta bảo tôi đưa 400 nghìn đồng để vào đăng ký khám bệnh rồi lấy thuốc. Tôi chỉ mang có hơn 100 nghìn đồng đi chợ nên tháo luôn sợi dây chuyền 2 chỉ đưa chị ta, cứ như bị bỏ bùa mê. Đợi mãi không thấy chị ta quay lại, tôi chợt hoảng hồn, biết mình bị lừa" - bà Cúc bần thần kể lại.

Tương tự, chị Hà Thu Hồng, 53 tuổi, trú tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân cũng mất toi hơn 1 triệu đồng khi vừa rời cửa nhà vào sáng sớm để đi chợ. Chị kể, hơn 5g sáng trung tuần tháng 11, vừa bước ra khỏi nhà chị bị một phụ nữ tiến lại hỏi han tình hình sức khỏe và việc học hành của con cái. Chỉ ít phút chuyện trò, chị Hồng cũng tình nguyện leo lên xe của phụ nữ này "chở đi chữa bệnh, dứt điểm và có bảo hành". "Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi cứ ngoan ngoãn leo lên xe để chị ta chở đi. Đến gần cổng Bệnh viện Đại học Y, chị ta bảo tôi đưa 400 nghìn đồng vào đăng ký khám. Thấy tôi móc túi ra hơn 1 triệu đồng, chị ta giằng lấy bảo đưa tất để lấy thuốc luôn. Chờ gần một giờ đồng hồ chẳng thấy chị ta quay lại, tôi mới biết mình bị lừa" - chị Hồng cho biết.

Anh Hoàng Văn Kiên, trú tại phố Phương Mai kể lại, một buổi trưa đang đi trên đường Giải Phóng, đoạn gần cổng Bệnh viện Bạch Mai, bất ngờ anh nhìn thấy chiếc điện thoại Iphone rơi sát lề đường, cách bến xe buýt chừng 10m. Vừa cúi xuống nhặt chiếc điện thoại thì có một thanh niên từ nhà chờ xe buýt chạy lại đòi chia. Người thanh niên khăng khăng rằng, mình vừa nhìn thấy người đánh rơi, đang tiến lại nhặt thì anh Kiên nhặt mất. Nếu không chia thì cùng đi vào trụ sở CA nộp. Cự cãi mãi, thôi thì "lộc bất tận hưởng", trong ví anh Kiên còn 2,3 triệu đồng đành móc ra đưa hết cho người thanh niên. "Hí hửng, mình đút túi chiếc Iphone phóng vội vào ngõ để kiểm tra "lộc trời". Mở máy ra mới giật mình, thì ra là chiếc Iphone Trung Quốc, ngoài thị trường bán chỉ có gần 2 triệu đồng" - anh Kiên ngượng ngùng kể lại. 

Cũng như hình thức trên, các hình thức như vờ rơi ví, đồ đắt tiền… trong ngõ vắng, chờ người đi đường nhặt rồi dình dập chạy lại đòi chung chia cũng được các đối tượng lưu manh áp dụng khiến nhiều người sập bẫy.
 
Người dân cần nêu cao cảnh giác

Trao đổi với PV báo PL&XH, một cán bộ CA TP Hà Nội cho biết: Các hình thức lừa đảo này vốn đã có từ những năm 1990, tập trung chủ yếu ở các vùng quê, nay được các đối tượng lưu manh áp dụng tại Hà Nội để lừa đảo. Nạn nhân của hình thức lừa đảo như chị Hồng và bà Cúc được các đối tượng lừa đảo áp dụng phổ biến, bởi đánh trúng tâm lý và có tìm hiểu lỹ lưỡng về nạn nhân. "Đặc biệt, chúng thường ra tay vào buổi sáng sớm, khi trạng thái tâm lý con người chưa thật sự tỉnh táo và các giác quan chưa có sự đề phòng".

Cũng theo vị cán bộ này, đối với hình thức lừa đảo như trường hợp của anh Kiên, đối tượng mắc bẫy rất đa dạng. Bởi, chúng đánh đúng vào lòng tham của người đi đường. Do đó, người dân cần nêu cao cảnh giác, không nên vì tham mà tiền mất tật mang.