70 năm giải phóng Thủ đô

Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn.

Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án.
Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án.

Theo quyết định, Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (Khu công nghiệp Hữu Lũng) được triển khai ở các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Quy mô 599,76 ha, trong đó: giai đoạn 1 với quy mô sử dụng đất khoảng 200 ha; giai đoạn 2 với quy mô sử dụng đất khoảng 250 ha và giai đoạn 3 với quy mô sử dụng đất khoảng 149,76 ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 6.361.328.000.000 đồng, tương đương 274.668.739 đô la Mỹ. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 954.199.200.000 đồng, tương đương 41.200.311 đô la Mỹ.

Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 15/5/2023.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự án và những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 33, điểm i khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Hữu Lũng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc đổi tên khu công nghiệp Hữu Lũng thành khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn theo đề xuất của nhà đầu tư.

Tổ chức kiểm tra, xác định nhà đầu tư thực hiện dự án đáp ứng điều kiện cho thuê đất để thực hiện dự án tại thời điểm cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đảm bảo điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Chỉ đạo các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai; có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

Trường hợp có các loại đất trong khu vực thực hiện dự án là tài sản công thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước. Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP).

Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật vị trí và diện tích sử dụng đất của khu công nghiệp Hữu Lũng vào quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quy hoạch, đảm bảo chỉ tiêu đất của khu công nghiệp Hữu Lũng nằm trong chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Lạng Sơn tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất, đất trồng lúa trong phạm vi Dự án đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu đất rừng sản xuất, đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và đến năm 2030 được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn tiếp thu, thực hiện đầy đủ ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, thông tin, cập nhật dự án vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đảm bảo sự phù hợp, thống nhất theo quy định; thực hiện rà soát, điều chỉnh diện tích rừng của dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương ra khỏi Quy hoạch lâm nghiệp, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có trách nhiệm kiểm tra quá trình điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, trên cơ sở đó tổ chức triển khai thực hiện dự án đúng quy định pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan; kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án, hiện trạng rừng, đảm bảo thống nhất về số liệu, vị trí giữa hồ sơ và thực địa; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ về thông tin nguồn gốc hình thành rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng), số liệu, hồ sơ về quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích các loại rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất), tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu, báo cáo giải trình đối với nội dung trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án và trong việc tổ chức thực hiện Dự án đúng vị trí, đúng diện tích.

UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng và nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt và thực hiện phương án trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo công khai minh bạch; quản lý chặt chẽ các diện tích rừng trong khu vực thực hiện dự án đến khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; chỉ thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 19, Điều 23 Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…