Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, cũng sẽ không có chuyện nới lỏng về lạm phát. Trong điều hành của Chính phủ là chặt chẽ, dưới 4%. Chúng ta chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ phá giá đồng tiền hỗ trợ cho xuất khẩu", Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định.

 Ảnh: TTXVN.
Giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm trước Quốc hội chiều nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chất lượng tăng trưởng, mục tiêu của chúng ta là phát triển nhanh, rút ngắn khoảng cách, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu, nhưng chúng ta vẫn phải phát triển bền vững. 
Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động, bền bỉ. Chúng ta đã ghi nhận 3 năm qua đã có những chuyển biến tích cực và rõ rệt, đi đúng hướng. Tăng trưởng chúng ta toàn diện 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ở lĩnh vực công nghiệp giảm dần phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng; chế biến chế tạo tăng nhanh; dịch vụ thì du lịch phát triển mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư xuất khẩu mà dựa vào thị trường trong nước, năm nay thị trường trong nước tăng tương đương với xuất khẩu (trên 11%). Chúng ta cũng có những bước tăng trưởng năng suất lao động cũng tăng cao hàng đầu khu vực. Tăng trưởng TFP cũng tăng trưởng cao. Hệ số ICOR đã tốt hơn. Hệ số cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, có thứ hạng cao. Hiện nay có dự trữ ngoại hối trên 60 tỷ USD, giữ được mặt bằng lãi suất và giảm được ở một số ưu tiên và kết hợp được chính sách tài khoá với tiền tệ và ngoại thương…

Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận chất lượng tăng trưởng tiến bộ nhưng còn chậm, chất lượng thể chế kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ số đổi mới KHCN, năng suất lao động còn thấp so với khu vực. Chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh 4.0 còn hiện hữu… còn những yếu tố rủi ro mà nếu không củng cố thì sẽ thiếu bền vững. Bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, nước ta lại có độ mở lớn, kinh tế thế giới diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị làm giá cả hàng hoá thế giới bất thường như giá dầu, giá USD, lãi suất thế giới tăng cao… gây áp lực cho chính sách điều hành của nước ta.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút FDI có chọn lọc dựa vào CN cao, kết nối với khu vực trong nước.

Chúng ta coi việc đảm bảo kinh tế vĩ mô là một trong những mục tiêu quan trọng. Chúng ta sẽ củng cố hơn nữa về kinh tế vĩ mô, tăng khả năng chống chịu hơn nữa của hệ thống ngân hàng trước biến động của thị trường thế giới. Cũng cần tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành còn yếu trong nền kinh tế. Đặc biệt Chính phủ nhất quán ổn định chính sách giá trị đồng tiền.

"Chúng ta chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền hỗ trợ cho xuất khẩu", Phó Thủ tướng khẳng định. Chính phủ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đồng thời cũng sẽ không có chuyện nới lỏng về lạm phát. Trong điều hành của Chính phủ là chặt chẽ, dưới 4%.
TTCK tăng trưởng 110% GDP

Phó Thủ tướng cũng nói thêm về thị trường tài chính, nhiều chỉ tiêu đã đi trước được kế hoạch 5 năm, hiện nay thị trường chứng khoán đã tăng trưởng trên 110% GDP vượt xa so với mục tiêu 70% GDP đặt ra đến năm 2020, trong đó cổ phiếu là 84%, điều này giảm nhẹ được cung ứng vốn chung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Nợ xấu giảm từ 10,06% cuối 2016 bây giờ còn 6,7%, và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán giờ chỉ còn khoảng 2% so với mức 2,5 - 2,6% hồi đầu năm nay.