Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ đang điều hành mềm dẻo và có mục tiêu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Sau hơn một năm Chính phủ Khóa XIII đi vào hoạt động, cái được nhất chính là cách xem xét các vấn đề, kể cả về kinh tế và xã hội một cách dài hơi và có lộ trình thẳng thắn; điều hành mềm dẻo và có mục tiêu".

Đó là nhận định Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 5/8. Tại đây, hàng loại vấn đề liên quan đến điều hành cũng Chính phủ mà người dân quan tâm cũng được đề cập tới như khó khăn hiện thời của nền kinh tế, nợ xấu của ngân hàng, giá điện, gas, xăng dầu, viện phí tăng...

Nền kinh tế tăng trưởng chậm, chưa có suy thoái

Trả lời cho những lo ngại của của người dân về những khó khăn đang đặt ra với nền kinh tế,  như hai tháng gần đây chỉ số CPI liên tục âm, nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế Việt Nam rơi vào suy thoái kép... Bộ trưởng Vũ Đức Đam đồng tình với nhận định nền kinh tế đang có những khó khăn. Trong đó, khó khăn dễ thấy nhất là doanh nghiệp hoạt động khó, hàng tồn kho lớn hơn bình thường, mặc dù thời gian gần đây có giảm nhưng vẫn rất lớn, doanh nghiệp muốn vay vốn phát triển sản xuất cũng khó khăn, đời sống nhân dân cũng chưa được cải thiện rõ rệt. "Nhưng nếu nói suy giảm kinh tế và suy thoái kép nên có sự tranh luận lại", Bộ trưởng Vũ Đức Đam thẳng thắn.

Theo lập luận ông đưa ra:  Thông lệ, người ta tính tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý và âm hai quý liền thì là suy thoái, nhưng chưa phải suy thoái kép. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại so với những năm trước đây và so với kế hoạch, nhưng tất cả các quý đều tăng trưởng dương, thấp nhất quý I tăng tới 4%, quý II lên trên 4%. Nếu nói chính xác là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng chưa có suy thoái.

Bộ trưởng cũng cho rằng: "Đúng là CPI hai tháng vừa qua âm. Nhưng phải nhìn nhận, lạm phát các nền kinh tế về cơ bản là rất thấp, những nền kinh tế đang phát triển phần nhiều là có lạm phát dương, nhưng lý tưởng chỉ là từ 2 - 3%. Dù CPI âm, nhưng nếu loại trừ yếu tố xăng dầu, lương thực, cũng còn dương. Nếu cứ đà này, chúng ta cố gắng vẫn sẽ đạt 6 - 7%, như vậy vẫn còn rất cao".

Khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế một năm qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng: So với một năm trước, lạm phát vẫn còn cao. Do đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, không thắt chặt hoặc nới lỏng quá. Vì thế năm 2012 đặt ra mục tiêu là, đưa lạm phát phải xuống một con số, nhưng không xuống dưới 5%, như vậy mới giữ được sự ổn định. Bộ trưởng ví von: "Cách đây một năm, đặt mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô cũng tương tự như một gia đình mong có con. Nay chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu xuống, cứ đà này đạt 7% điều đó cũng mừng như người phụ nữ bắt đầu có thai, nhưng phải có tác dụng phụ là mệt mỏi và quan trọng là kiên trì để "sinh nở" được. Chính vì thế Chính phủ đang thực hiện một loạt biện pháp, trong đó có việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế".

Không giải quyết nợ xấu bằng tiền thuế của dân

Một vấn đề cũng được nhiều người dân đặt ra với Bộ trưởng Vũ Đức Đam là việc giải quyết nợ xấu trong các ngân hàng, đây vẫn được ví như một "cục máu đông" của nền kinh tế và liệu con số nợ xấu ấy có gây ảnh hưởng đến việc người dân gửi tiền vào ngân hàng?

Chính phủ đang điều hành mềm dẻo và có mục tiêu - Ảnh 1

Mua hàng tại siêu thị Intimex Lý Thái Tổ.  Ảnh: Trần Việt

Bộ trưởng cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thống kê và báo cáo con số lớn nhất nợ xấu chính xác và sẽ công bố con số chính thức để đưa ra hướng giải quyết. Con số 100.000 tỷ đồng mà Thống đốc Ngân hàng đưa ra trước Quốc hội chỉ là con số ước lượng. Tuy nhiên, giải quyết nợ xấu có nhiều giải pháp, không chỉ bằng việc phải thành lập công ty giải quyết nợ xấu và "bằng chứng là công ty chưa thành lập nhưng nợ xấu đang được giải quyết".

Bộ trưởng cũng giải đáp những thắc mắc của người dân về việc dùng tiền ngân sách (có thể hiểu là tiền thuế của người dân) để cứu doanh nghiệp rằng: "Nếu thành lập công ty không có nghĩa để giải quyết số nợ lớn phải có số vốn lớn và không phải tất cả đều là nhà nước bỏ tiền. Vì thế, không có chuyện Nhà nước lấy tiền ngân sách để cứu doanh nghiệp".

Bộ trưởng cho biết, "người dân không lo về việc gửi tiền tại ngân hàng. Vì Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng có quỹ và khoản tiền lớn (khoảng 70.000 tỷ đồng) không liên quan đến khoản nợ. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp vay phải có thế chấp. Nhưng Chính phủ đã chỉ đạo tái cơ xấu hệ thống ngân hàng để giải quyết những vấn đề hiện nay.

Trả lời cho thắc mắc của nhiều người dân về sự thua lỗ và vai trò của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Hiện còn  khoảng 1.300 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 11 tập đoàn, nhưng số không có lãi chỉ còn 20% (so với 60% của 10 năm trước đây). Những doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng và có hiệu quả với nền kinh tế, do đó tới đây Chỉnh phủ tiếp tục chỉ đạo cổ phần hóa, đổi mới để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Giá bán điện vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Do đó việc tăng giá điện là bình thường. Việc thua lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nguyên nhân chính là giá bán dưới giá thành sản xuất, không phải do kinh doanh ngoài. Chính phủ luôn luôn chỉ đạo ngành điện tăng giá đúng lộ trình và quy luật, nhưng đảm bảo người nghèo, vùng khó khăn có sự hỗ trợ tương ứng và phải công khai minh bạch. Việc tăng giá xăng cũng tương tự, giá xăng dầu trong nước thấp hơn trong khu vực và thế giới. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nhưng hiện nay chưa hoàn toàn theo giá thị trường mà vẫn phải có sự hỗ trợ của nhà nước.