Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,5 - 6,7%

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 trước Quốc hội ngày 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7% trong năm 2018.

Sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo.
Thủ tướng dẫn một số kết quả đạt được, trong đó về kinh tế, giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%.

Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 (ngày 20/10/2017 đạt 826,84 điểm); mức vốn hóa đạt trên 93% GDP; đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%.

Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%, nhập khẩu tăng 22,7%; xuất siêu 328 triệu USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Trong 9 tháng có gần 94.000 DN thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21.000 DN hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Phần lớn DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 - 2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ. 
Chấn chỉnh bất cập, sai phạm trong các dự án BOT, BT
Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, Thủ tướng cho biết, năm 2018, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro; xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng.

Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với chúng ta. Ở trong nước, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, yếu kém.
Toàn cảnh phiên họp sáng 23/10.
Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Các chỉ tiêu chủ yếu: Về kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Nói về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế để bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về lao động, việc làm, NSNN, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, an ninh lương thực và năng lượng. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực ngoại tệ trong xã hội. Quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm.
Tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT. Tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước phát triển hạ tầng, bảo đảm tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư.