Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3: Gắn kiềm chế lạm phát với tăng trưởng hợp lý

KTĐT - Trong 2 ngày 31/3 và 1/4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3. Tại phiên họp này, Chính phủ đề ra quyết tâm trong thời gian tới, phấn đấu thực hiện duy trì tăng trưởng một cách hợp lý trong điều kiện phải kiềm chế được lạm phát ở mức một con số, ổn định vĩ mô. Mức tăng trưởng hợp lý ở đây khoảng 6%...

* Chưa thu phí lưu hành phương tiện trong năm 2012

Tăng trưởng hợp lý cũng giúp ổn định vĩ mô

 Trong quý I, bức tranh kinh tế đã có những thay đổi tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có xu hướng giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước (so với tháng trước, CPI tháng 3/2012 chỉ tăng 0,16%). Thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (năm 2011 tăng 6,12%); Tỷ giá tiếp tục giữ được ổn định, lãi suất có chiều hướng giảm, thanh khoản ngân hàng được cải thiện, thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên "xanh", dự trữ ngoại hối tăng trở lại, nhập siêu giảm mạnh… Mặc dù tăng thấp hơn cùng kỳ các năm trước song tăng trưởng quý I vẫn đạt 4%, tổng đầu tư xã hội tăng…

Cùng với những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng mổ sẻ những tồn tại trong nền kinh tế. Trong đó có việc sản xuất công nghiệp chế biến và chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh, tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể;… Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm nay tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua…

Đề cập đến sự an toàn của người dân sống ở hạ lưu thủy của đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tinh thần của Chính phủ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân trong vùng hạ lưu và an toàn cho công trình đập. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần huy động tối đa công suất của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để hạ mực nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan quan trắc thường xuyên, cập nhật và xử lý các số liệu đo đạc để phân tích đánh giá kịp thời, làm cơ sở cho công tác xử lý thấm và nghiệm thu.

Song nếu nhìn vào những tín hiệu và có sự phân tích sâu thì bắt đầu từ tháng 3, tốc độ phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến tăng mạnh so với 2 tháng trước đó. Điều này thể hiện một số chính sách của Chính phủ được điều hành kiên quyết từ cuối năm ngoái đến đầu năm 2012 đã bước đầu phát huy hiệu quả. Thể hiện cụ thể kim ngạch xuất khẩu không chỉ tăng cao mà tỷ trọng các mặt hàng thô giảm mạnh, hàng chế biến tăng cao. Mặt khác, tốc độ phát triển xây dựng cơ bản thấp là hệ quả của định hướng điều hành của Chính phủ không cho ứng vốn trước như mọi năm. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, khi điều hành phân bổ vốn theo đúng lộ trình của chương trình tái cơ cấu đầu tư công, một loạt công trình được triển khai sẽ đẩy tốc độ xây dựng cơ bản tăng nhanh hơn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Như vậy, trong điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chuyển từ trạng thái thụ động ứng phó với lạm phát sang chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu và có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN để đảm bảo phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đã quyết nghị. Chính vì thế trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng dành ưu tiên duy trì tăng trưởng một cách hợp lý với mức tăng trưởng khoảng 6%.  Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6% và kiểm chế lạm phát ở mức một con số thì tổng phương tiện thanh toán cần tăng khoảng 15 - 17%, dư nợ tín dụng là 14 - 16%.

Từ tháng 3, tốc độ phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến tăng mạnh so với 2 tháng trước đó. Ảnh: Huy Hùng
 

Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất

Lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn, những tồn tại đó cũng là những tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ đến "sức khỏe" của nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cần tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất, tạo các điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận được với nguồn vốn là những nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan là không ít DN không tiếp cận được vốn của ngân hàng vì ngân hàng phải xem xét khả năng thu hồi vốn của DN. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, trình các giải pháp trong đó sẽ xem xét đến việc giãn thuế cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các DN hoạt động.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt các giải pháp; Tập trung giải quyết nhanh thanh khoản của ngân hàng; Khoanh vùng các ngân hàng yếu kém để có giải pháp xử lý hiệu quả; Hạ dần lãi suất phù hợp với thanh khoản của ngân hàng và chiều hướng giảm dần của lạm phát; Giải quyết các mâu thuẫn trong nội tại của nền kinh tế để phục vụ cho phát triển…

Chưa thu phí lưu hành phương tiện trong năm 2012

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành xe vào thành phố giờ cao điểm là theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 4 và Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu được thông qua, đề án cũng chưa thể thực hiện ngay trong năm nay. Trước phản hồi mạnh mẽ từ dư luận, ông Thăng cho biết đề án điều chỉnh dự kiến đối tượng thu phí đối với ô tô chỉ là xe cá nhân (ước tính 600.000 xe). Đối với xe máy, đề án đề xuất chỉ thu phí tại 5 TP lớn là: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và chỉ thu phí khi phương tiện lưu hành trong nội đô. Riêng người nghèo sẽ được miễn phí. Đề án đã chỉnh sửa mức thu dự kiến linh hoạt, chia nhỏ, áp từ 10 triệu cho xe 1 chấm, từ trên 1 - 1.5 chấm mức 15 triệu, trên 1.5 - 2 chấm áp 20 triệu, trên 2 - 2.5 chấm áp 25 triệu... Số thu dự kiến khoảng 12 đến 15.000 tỷ đồng và nguồn thu này sẽ dành cho đầu tư hạ tầng giao thông.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

03 Jul, 09:44 PM

Kinhtedothi - Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể về tiến độ đối với các công tác: xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ