Thành viên của hệ thống chính trị
Trước đó vào ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ, Chính quyền cách mạng còn non trẻ, giữa bộn bề việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để gặp gỡ giới DN và doanh nhân tại Bắc bộ phủ. Bác đã khẳng định: “Doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh”.
Nói về vai trò, nhiệm vụ của giới doanh nhân trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Như vậy, ngay từ năm 1945 Bác đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của DN, doanh nhân đến nay, tư tưởng của Hồ Chủ tịch vẫn là định hướng của Đảng và Nhà nước.
Kể từ sau dịch tả 1945 đến nay, chúng ta mới phải gặp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Tác động của dịch là rất nghiêm trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.
Dịch Covid-19 càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II như hiện nay, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32%. Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.
Quan điểm xuyên suốt
Sau nạn đói và nạn dịch tả 1945, Bác khẳng định: “Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”. 75 năm sau, Đảng và Chính phủ một lần nữa khẳng định lại sự ủng hộ doanh nhân, DN đối với việc phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong suốt mấy thập kỷ qua doanh nhân luôn đồng hành cùng dân tộc, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để doanh nhân, DN phát triển. Trong lúc khó khăn, mối quan tâm ấy càng được thể hiện rõ tại các quyết sách lớn từ T.Ư đến địa phương bảo đảm kịp thời và hiệu quả.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 chỉ đạo các bộ, nghành kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của DN về thuế, tiền thuê đất; giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị tương đương gần 22 tỷ USD.
Hà Nội làm theo lời Bác
Tại Hà Nội ngày 16/4/2020, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đối thoại với DN để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của DN và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
50 DN, hiệp hội trên địa bàn đã tham gia cuộc gặp mặt với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản.
Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cam kết: “Đây là giai đoạn mà TP xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân”. TP mong muốn các DN, nhà đầu tư hiến kế cho TP để duy trì được đà tăng trưởng, nạp năng lượng, tạo hiệu năng để khi vượt qua được dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc. TP sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”.
TP cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế... để vừa tạo cầu, vừa tạo cung cho DN. Hà Nội đã khởi động lại tổ công tác do một Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN.
Những hiệu ứng ban đầu
Những chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ và Hà Nội không chỉ các doanh nhân Việt Nam trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Mới đây, ông Lê Thanh Bình - Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội của Hội người Việt Nam tại Ba Lan cùng với 2 doanh nhân người Việt ở Đức, Ba Lan đã đến trụ sở báo Kinh tế & Đô thị để tìm hiểu sâu hơn về chính sách thu hút đầu tư của Hà Nội.
Theo ông Bình, các thành viên Liên hiệp các hội DN Việt Nam ở châu Âu đang rất quan tâm đến các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực của Chính phủ và Hà Nội. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong bối cảnh đó nhiều doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã tính đến việc chuyển hướng đầu tư và Hà Nội đang là địa chỉ hấp dẫn.
Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Văn Thắng, Việt kiều ở Đức còn cho biết: “Ngay cả mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần cả nước của Hà Nội trong năm nay anh em doanh nhân ở nước ngoài cũng biết. Mọi người đều mong muốn sẽ có dịp chung tay cùng Hà Nội”.
Quan điểm của Hồ Chủ tịch: “Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết” cách đây 75 năm đã và đang được Chính phủ và Thủ đô Hà Nội triển khai chi tiết. “Để làm nhiều việc ích quốc lợi dân” thì chính quyền các cấp và giới doanh nhân cần phải có những hành động cụ thể để vực dậy nền kinh tế sau dịch Covid-19. Đó sẽ chính là món quà thiết thực dâng lên vị Cha già kính yêu của dân tộc nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.
Nói về bức thư chỉ vỏn vẹn 206 chữ đăng báo Cứu quốc, số 66, ngày 13/10/1945 ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) cho biết: “Chỉ riêng việc Bác mở đầu lá thư bằng dòng chữ trân trọng, gần gũi: “Cùng các ngài trong giới Công – Thương” đã thấy rõ Bác trân trọng và đánh giá cao “các ngài” - những doanh nhân Việt Nam thời đó trong sự nghiệp kiến thiết đất nước sau ngày độc lập.” |