TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sẽ được tổ chức đầu tuần tới.
2019 là năm thành công của kinh tế Việt Nam dù còn không ít khó khăn, thách thức. Ảnh: TTXVN |
Nhìn lại thời điểm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ nhất, ông đánh giá như thế nào về những chuyển biến trong môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua?
Ngay sau khi trở thành Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với chủ đề mang theo tuyên ngôn của Chính phủ mới: “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Và sau đó, Chính phủ đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Loạt Nghị quyết 19 (và sau này là Nghị quyết 02) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với tư cách một chương trình hành động liên tục của Chính phủ hướng tới mục tiêu Việt Nam phải trở thành 1 trong 3 - 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu của ASEAN đã ra đời. Các văn kiện này đã thực sự trở thành nền tảng để hoàn thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta.
Những nỗ lực của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ thông qua những nỗ lực khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô về tăng trưởng, về xuất khẩu, các chỉ số về phát triển doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp mới là thước đo quan trọng nhất cho sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong các năm từ 2016 - 2019, trung bình mỗi năm có 126.000 doanh nghiệp thành lập mới. Riêng năm 2019, dự kiến có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và khoảng 38.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Hơn thế nữa, khoảng 40.000 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, với khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Nhìn xa hơn, sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký).
Nhưng, những thành quả đó mới chỉ là bước đầu, chặng đường phát triển sắp tới của nền kinh tế và các doanh nghiệp còn rất gian nan.
Ông đánh giá như thế nào về bối cảnh diễn ra và mục tiêu của Hội nghị lần này?
Năm 2019 dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta vẫn có một năm thành công. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng để duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Và động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Sự đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng.
Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, đặc biệt các doanh nghiệp Việt khó kết nối với nhau và các chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế - chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN. Năng lực doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.
Các định hướng và nỗ lực của chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp do vậy không chỉ cần tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Vấn đề thể chế luôn được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Trước thềm hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Việc chúng ta chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 đã cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng nếu không cải cách mạnh mẽ hơn chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Theo khảo sát của JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư yêu thích hàng đầu nhưng họ đều cho rằng khó khăn lớn nhất của họ khi đầu tư tại Việt Nam đến từ thủ tục hành chính.
Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc xếp hạng về năng lực cạnh tranh - một kết quả ấn tượng. Song, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình của thế giới chưa lọt vào Top 4 ASEAN.
Với Nghị quyết 35, Chính phủ đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Nhưng mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 lại là mục tiêu khó khăn.
Ngay cả các lĩnh vực đã đạt được điểm đột phá và tiên phong như thuế hay hải quan vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới như thủ tục hành chính lĩnh vực thuế chiếm 384 giờ trong khi ở châu Á - Thái Bình Dương hiện chỉ là 173 giờ. Đó là chưa kể có những lĩnh vực khác hầu như chưa có sự cải thiện trong nhiều năm qua.
Bên cạnh những, bộ ngành, địa phương làm tốt thì có bộ ngành, địa phương chưa tích cực, thậm chí còn thờ ơ, đối phó. Doanh nghiệp thì sốt ruột nhưng nhiều nơi còn đủng đỉnh.
Lâu nay thường nghe nói đến nhiều cơ hội vàng, như biển bạc rừng vàng, dân số vàng nhưng những cơ hội vàng này chỉ có thể được khơi dậy bằng "thể chế kim cương", tức là phải minh bạch, ổn định và vững chắc như kim cương. Đó cũng là tinh thần của nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ.
Nếu chừng nào vẫn hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể nào thoát bẫy thu nhập trung bình được. Nếu muốn vào Top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh thì theo xếp hạng mới nhất của WB, phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan.
Một vấn đề cần lưu ý là nhiều nội dung cải cách không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành. Nhiều khó khăn, vướng mắc thể chế hiện đang nằm trong các luật chứ không chỉ ở khâu thi hành, không chỉ các doanh nghiệp mà cả các bộ ngành, địa phương cũng thấy vướng. Chúng ta phải đẩy mạnh việc sửa đổi các luật, đặc biệt là áp dụng phương thức một luật sửa nhiều luật để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc này.
Mặt khác, tôi cũng đã nghe thấy những câu chuyện cho thấy còn nhiều vướng mắc trong tư duy và hành động, cách làm của cấp trung gian như các vụ, cục ở Trung ương và cấp sở, ngành ở các địa phương. Chính phủ, các bộ, địa phương “nóng”, ráo riết nhưng ở cấp này thì nhiều nơi chưa được như vậy.
Trong số nhiều vấn đề thể chế, ông cho rằng đâu là vấn đề cấp bách nhất hiện nay?
Tôi ủng hộ quan điểm của Chính phủ đề xuất đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Mỗi hộ kinh doanh đều được đăng ký bởi một cá nhân đại diện cho hộ, tức là về bản chất, hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp một chủ theo khái niệm chung của thế giới. Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Tôi nhớ một nghiên cứu chỉ ra rằng số doanh nghiệp của Campuchia năm 2015 nhiều hơn Việt Nam, trong khi dân số của họ ít hơn Việt Nam nhiều lần. Lý do là họ theo thông lệ quốc tế, coi các hộ kinh doanh là doanh nghiệp.
Với quy định hiện nay, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh - nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định. Hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh hộ kinh doanh trong Luật, “không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau”, để bảo vệ hộ kinh doanh, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh. Việc này sẽ giúp họ sẽ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn và có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại để mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Các nghĩa vụ hiện hành với hộ kinh doanh về cơ bản không thay đổi; không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và cho nhà nước.
Trong bối cảnh mới, nhiều cơ hội chưa từng có đang mở ra cho các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Một sinh viên như Nguyễn Hà Đông có thể bán sản phẩm của mình đi toàn thế giới. Kỷ nguyên số đang làm thế giới đang nhỏ lại và cơ hội đang mở ra cho tất cả mọi người, cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và cả siêu nhỏ. Đó chính là phát triển bền vững và bao trùm.
Về phía doanh nghiệp, tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần kinh doanh có trách nhiệm để bảo đảm rằng cả hai bên đối tác kinh doanh và cả xã hội cũng đều có lợi. Phát triển bền vững là đích đến, còn kinh doanh trách nhiệm là lẽ sống. Thủ tướng cũng nhiều lần đề cập đến yêu cầu phát triển bền vững, làm sao để các mô hình phát triển bền vững được lan tỏa, như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo… Doanh nghiệp phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, bất kể là doanh nghiệp thuộc quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ.