Ứng dụng “Công dân Thủ đô số” (iHanoi) sau khi được TP Hà Nội triển khai, đã đánh dấu một bước đột phá trong việc thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền TP và người dân. Nhờ công nghệ số và các giải pháp thông minh đã đưa chính quyền đến gần người dân hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, các giao thức kết nối đã không ngừng phát triển, tạo ra những cơ hội mới giúp mỗi cá nhân giao tiếp hiệu quả hơn và còn cung cấp cho chính quyền các kênh tiếp xúc trực tiếp với người dân.
Có thể nói, nhờ vào chuyển đổi số, chính quyền có thể thu hẹp khoảng cách với người dân, lắng nghe ý kiến, phản hồi và giải quyết kịp thời các vấn đề mà nhân dân đang gặp phải. Đây là một xu hướng không thể đảo ngược, đóng góp tích cực vào việc xây dựng một xã hội phát triển, minh bạch và bền vững.
Nếu như trước đây, người dân vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nhanh hoặc tìm hiểu thông tin của TP Hà Nội, hiện nay, nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội, việc kết nối với chính quyền trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Chính quyền các cấp cũng có thể thường xuyên phổ biến, cung cấp thông tin trong quản lý điều hành và lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của Nhân dân. Việc mở rộng các kênh kết nối với người dân, doanh nghiệp được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Tháng 2/2023, người dân và doanh nghiệp ở Thủ đô Hà Nội có thể phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính tới UBND TP Hà Nội qua kênh Zalo “Phản ánh kiến nghị Thành phố Hà Nội”. Chỉ hơn một năm sau, TP đã triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.
Qua ứng dụng iHanoi, TP đã tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, ứng dụng bảo đảm sự tham gia giám sát của cộng đồng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền, cung cấp tiện ích cho người dân và tiếp nhận các sáng kiến đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô.
Có thể nói, iHanoi không chỉ là một công cụ quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số của Hà Nội mà còn thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP. Qua hơn 4 tháng triển khai chính thức, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi, tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 16 triệu lượt người truy cập, sử dụng ứng dụng iHanoi. Hiện có 1.446.705 người đăng ký tài khoản trên ứng dụng iHanoi, trong đó 70.573 người dùng đăng ký mới bằng VneID.
Qua ứng dụng này, cùng với tiếp nhận thông tin, người dân có thể phản ánh, kiến nghị những nội dung bất cập từ ô nhiễm môi trường, giao thông, vấn đề tại nơi mình sống. Chỉ cần upload ảnh và video lên nền tảng này, ngay lập tức theo thời gian, kiến nghị của người dân được chuyển lên hệ thống và người đứng đầu chính quyền TP có thể nhìn thấy. Sau đó tự động chuyển, phân nhiệm vụ đó đến đúng chức năng, nhiệm vụ của của sở, quận, huyện, phường, xã; các đơn vị căn cứ như thế để giao cho cán bộ, các lực lượng để triển khai, xử lý và sau đó upload hình ảnh báo cáo sau khi triển khai thực hiện lên iHanoi, đồng thời nhắn tin cho người dân biết việc này đã được triển khai xử lý xong.
Là một trong những người sử dụng ứng dụng iHanoi ngay khi ứng dụng mới ra mắt, chị Nguyễn Thanh Tâm (quận Tây Hồ) cho biết: “Tôi rất hài lòng với các tiện ích trên ứng dụng số này, trong đó có mục phản ánh hiện trường. Công dân có thể phản ánh những bức xúc của mình kèm theo hình ảnh hiện trường đến các cơ quan chức năng. Nhờ đó, các vấn đề như vệ sinh môi trường, trật tự đô thị hay những hành vi không đẹp làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của TP Hà Nội đều được gửi đến các cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời, nhanh chóng”.
Nhiều bạn trẻ cũng vô cùng thích thú với tính năng xem được camera giao thông trên iHanoi để theo dõi tình hình giao thông tuyến đường, từ đó có lộ trình di chuyển phù hợp. Tuy nhiên, cũng nhiều người trên mạng xã hội đề xuất với TP cần mở rộng mạng lưới camera hơn để người dân có thể theo dõi được nhiều tuyến giao thông hơn. Vì hiện nay thực tế nhiều nơi có camera giao thông, an ninh nhưng không hiển thị trên app hoặc thậm chí có những nơi đã từng hiển thị nhưng hiện nay người dân vào app lại không xem được...
Ngoài ra, qua ý kiến góp ý của nhiều người dân cho thấy sự phấn khởi vì những hữu ích mà thông tin trên ứng dụng mang lại; phản ánh về tình hình trật tự đô thị cũng được chính quyền trả lời kịp thời và đưa ra phương án xử lý, song cũng có số ít phản ánh chưa được trả lời kịp thời...
Đáng chú ý, thời gian đầu, một số địa phương “lười”, chậm xử lý kiến nghị của người dân qua ứng dụng iHanoi hoặc xử lý kiến nghị không thỏa đáng, chưa đảm bảo nên tiếp tục bị người dân phản ánh, đánh giá “chưa hài lòng”. Trong đó, thời điểm đầu tháng 9/2024, một số đơn vị đã được “chỉ mặt điểm tên” cụ thể, không né tránh như UBND quận Nam Từ Liêm là địa phương "lười" xử lý nhất, với số lượng kiến nghị, phản ánh chưa được xử lý là 81. Một số quận, huyện cũng có tỷ lệ kiến nghị, phản ánh chưa được xử lý ở mức cao, như: Sóc Sơn, Đông Anh, Cầu Giấy, Hà Đông, Mê Linh, Bắc Từ Liêm... Một số phản ánh, kiến nghị của người dân đến lần thứ 3 vẫn chưa được chính quyền xử lý dứt điểm, thỏa đáng, đạt yêu cầu. Trước tình hình này, UBND TP đã có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời.
Nhằm phát huy những điểm tích cực của ứng dụng iHanoi, tăng cường phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền, thực hiện Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 28/10/2024 của TP về việc “Phát động đợt thi đua cao điểm hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt tài khoản và sử dụng các tiện ích trên nền tảng “Công dân Thủ đô số - iHanoi””, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP rốt ráo triển khai, bước đầu cho kết quả tích cực.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Thọ An (huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Bắc cho biết, đến nay gần 100% cán bộ, công chức của xã đã hoàn thành cài đặt ứng dụng iHanoi. Qua bước đầu cài đặt, nhiều cán bộ, công chức xã phản ánh việc tìm kiếm các thông tin trên ứng dụng iHanoi khá hữu ích như dịch vụ công, truyền thông, cảnh báo, phản ánh hiện trường, phản ánh thủ tục hành chính.
Toàn xã Thọ An có 12 cụm dân cư với hơn 2.600 hộ dân, trên 12.300 nhân khẩu. Xã đã thành lập được 1 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 12 Tổ công nghệ số cộng đồng cụm dân cư. Thực hiện xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, đến nay 100% cụm dân cư trong xã đã có nhóm Zalo kết nối tới các hộ gia đình. “Hiện 12 Tổ công nghệ số cộng đồng cụm dân cư đang tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng iHanoi” - Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp qua nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, nhằm minh bạch hóa để người dân, doanh nghiệp trực tiếp thụ hưởng những thành quả của Đề án 06 Chính phủ mang lại. Đồng thời tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền Thủ đô.
“iHanoi là kênh tương tác số hội tụ, giúp thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng. Đồng thời, iHaNoi được xây dựng với mục tiêu sẽ là điểm truy cập để người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ do TP cung cấp trên môi trường số thông qua vai trò là một nền tảng để kết nối các dịch vụ và ứng dụng, kết nối giữa người dân với chính quyền” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, việc triển khai ứng dụng iHanoi nhằm đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền. “Chúng tôi hướng tới mục tiêu chính quyền phục vụ, người dân hài lòng, hạnh phúc” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Một điểm nhấn rất mới, có thể coi là đột phá là việc tích hợp iHanoi lên VNeID. Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp này có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô. Người dân giờ đây chỉ cần sử dụng 1 tài khoản định danh điện tử duy nhất (VNeID) để đăng nhập sử dụng các dịch vụ/ứng dụng của cơ quan chính quyền Hà Nội cung cấp như ứng dụng iHanoi, cổng dịch vụ công TP Hà Nội. Điều này giúp người dân không cần phải ghi nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu, tiết kiệm thời gian khi thao tác. Đồng thời việc sử dụng duy nhất một tài khoản đăng nhập sẽ giúp người dân giảm nguy cơ rò rỉ dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau, ngăn chặn, hạn chế các hành vi lừa đảo làm lọt, lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, phát huy hiệu quả hoạt động của nhiều kênh khác nhau, trong đó có các trang mạng xã hội như Fanpage, Zalo để người dân trao đổi, phản ánh kiến nghị, đề xuất… cho thấy đây là mô hình chính quyền hoạt động thực sự công khai, minh bạch. Đồng thời, những mô hình “phường số”, “tổ dân phố chuyển đổi số” đã thu hút sự tham gia của người dân vào xây dựng chính quyền số.
Là một trong hai quận được TP chọn triển khai mô hình chuyển đổi số điển hình, quận Long Biên đã triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp phường trên địa bàn năm 2023 - 2024 với 11 mô hình thí điểm gồm: hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; cơ quan chuyển đổi số; bộ phận Một cửa “Hiện đại - Chia sẻ - Hỗ trợ”; chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước; tổ dân phố chuyển đổi số; tổ công nghệ số cộng đồng; công dân số… Ngay sau khi triển khai, đã có 10/11 mô hình được 14/14 phường đăng ký triển khai và bắt đầu thực hiện. Đáng chú ý, 5/14 phường đã đăng ký các mô hình mới gắn với thế mạnh từng phường, có thể kể đến như mô hình “Nhận diện khuôn mặt của công dân khi đến bộ phận Một cửa” tại Giang Biên; “Tuyến phố 4.0” tại Long Biên; “Ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá du lịch, giáo dục truyền thống địa phương” ở Việt Hưng; “Điểm truy cập wifi công cộng tại các nhà văn hóa phường” của Ngọc Lâm.
Tại phường Thổ Quan (quận Đống Đa), mô hình "Tổ dân phố chuyển đổi số" và "Điểm phát wifi miễn phí" theo đề án về xây dựng mô hình "Tổ dân phố chuyển đổi số" đã được triển khai. Qua đó phát huy tính hiệu quả trong việc đăng ký tài khoản công dân điện tử và đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Tại mỗi điểm "Tổ dân phố chuyển đổi số" được bố trí các trang thiết bị như: bàn, ghế, máy tính, máy in, máy scan, hệ thống camera, màn hình cỡ lớn, thiết bị họp trực tuyến... để triển khai thực hiện. "Tổ dân phố chuyển đổi số" cung cấp hình thức hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, VNeID trong công tác tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, nhận lương, chế độ, bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Với mô hình “Thôn, tổ dân phố thông minh”, công nghệ số ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội trên địa bàn huyện Đan Phượng, thấm dần tới từng người dân. Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Các dịch vụ công hướng đến người dân và doanh nghiệp được chú trọng phát triển, ngày càng dễ sử dụng. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được công khai, minh bạch, nhanh chóng. Xã đã tổ chức các cuộc họp không giấy tờ, tài liệu được mã hóa dưới dạng mã QR code. Đồng thời thành lập nhóm Zalo UBND xã để trao đổi các công việc thuộc phạm vi giải quyết của xã…
Đến nay, toàn huyện Đan Phượng có 16 Tổ công nghệ số, 129 Tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số hơn 1.000 thành viên, xây dựng 101 mô hình “Thôn thông minh”; 101 nhà văn hóa được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí; lắp đặt hơn 2.700 camera an ninh; thành lập 569 nhóm Zalo… “Huyện Đan Phượng phấn đấu là địa phương đi đầu trong phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; hướng tới góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và giữ thứ hạng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của TP Hà Nội” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết.
Có thể nói, các tổ công nghệ số cộng đồng giúp tiếp cận, thúc đẩy chuyển đổi số xuất phát từ người dân. Có thể xem tổ công nghệ số là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở, là lực lượng giúp chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Đồng thời, qua những mô hình này cũng giúp TP nhận được sự phản hồi từ người dân với chính quyền, để từ đó tiếp tục có những đổi mới, phục vụ người dân tốt hơn, đấy là những điểm mang tính chất là điểm nhấn mà Hà Nội đang thực hiện.
(còn nữa)
06:00 01/12/2024