Người dân và doanh nghiệp sẽ không cần phải đi lại nhiều nơi, mất nhiều thời gian khi giải quyết những thủ tục liên thông. Với việc thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Hà Nội có thêm những bước tiến mới, đặc biệt là việc nâng cao các chỉ số quan trọng phản ánh sự hài lòng của người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà phát triển, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc trung tâm hành chính nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo phương châm “Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tháng 10/2024, HĐND TP thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ngày 24/10, UBND TP Hà Nội đã triển khai Nghị quyết của HĐND TP, Đề án, Quyết định của UBND TP về thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Đây là đơn vị hành chính mới cấp sở theo chỉ đạo của Trung ương, một đơn vị chưa từng có tiền lệ, là một kết quả nghiên cứu kỹ của Ban Chỉ đạo Trung ương để đưa ra mô hình này trên cơ sở đúc rút các mô hình đã triển khai từ trước đến nay về hành chính.
Theo đề án, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung. Trung tâm sẽ tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa"; đổi mới cách thức tiếp nhận thủ tục hành chính. Bảo đảm mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7 (tính từ địa điểm của người dân và doanh nghiệp đến điểm thực hiện thủ tục hành chính).
Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm kế thừa, phát huy những kết quả, ưu điểm của việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại 677 bộ phận "một cửa" trên toàn TP bảo đảm tinh gọn, thông suốt, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng “phi tập trung ở cấp thành phố”, lấy “cấp huyện làm trung tâm”, hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tối đa phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính.
Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận "một cửa" truyền thống, tháo gỡ các điểm nghẽn và giải quyết tình trạng ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính (đặc biệt ở một lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng…) có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của TP Hà Nội.
Việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội là cơ quan chuyên trách về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính còn phù hợp với xu hướng quốc tế, khu vực, trong nước.
Đây là sự cải tiến toàn diện xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của việc thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tại một số phường thuộc TP và trên nền tảng khắc phục những tồn tại, hạn chế từ các mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công đang được triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Tại Hà Nội, từ ngày 10/10/2023 đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã thí điểm thành lập 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường: Trung tâm Phục vụ hành chính công số 01 tại phường Trần Hưng Đạo là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các UBND phường: Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hàng Trống; Trung tâm Phục vụ hành chính công số 02 tại phường Hàng Mã là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các UBND phường: Hàng Mã, Hàng Bồ, Cửa Đông; Trung tâm Phục vụ hành chính công số 03 tại phường Chương Dương là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các UBND phường Chương Dương, Phúc Tân.
Sau một thời gian hoạt động, 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công của quận Hoàn Kiếm đã đạt nhiều kết quả nổi bật, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của việc thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Mô hình hành chính công cấp tỉnh điển hình phải kể đến là Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, được triển khai từ năm 2024. Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh là mô hình mới, chưa có tiền lệ nhưng hoạt động đã được các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao và rất hiệu quả, được nhân rộng trên toàn quốc đã góp phần tạo lên sự vượt bậc trong việc đánh giá các chỉ số PCI và PAR INDEX của Quảng Ninh.
Trong đó, sau khi Trung tâm Hành chính công được thành lập, chỉ số PCI năm 2012 của tỉnh Quảng Ninh từ vị trí 20/63 tỉnh, thành đến năm 2013 đã lên vị trí 4/63 tỉnh, thành và năm 2017, 2018, 2019 liên tiếp giữ vị trí 1/63 tỉnh, thành; chỉ số PAR INDEX năm 2012 từ vị trí 23/63 tỉnh, thành đến năm 2016 đã lên vị trí 5/63 tỉnh, thành và đến năm 2017, 2018, 2019 liên tiếp giữ vị trí 1/63 tỉnh, thành.
Đây được đánh giá là mô hình kiểu mẫu trong cải cách hành chính và là một trong những mô hình thực hiện đầu tiên trong cả nước trực thuộc UBND cùng cấp. Đến nay, cả nước đã có 58/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công. Tuy nhiên, sau 10 năm thí điểm, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình Trung tâm Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính theo hướng liên thông các cấp hoặc phi địa giới chưa nhiều; tổ chức, doanh nghiệp, người dân vẫn phải đến từng cấp chính quyền để giao dịch thủ tục hành chính; việc rà soát đưa toàn bộ thủ tục hành chính của các cơ quan ngành dọc vào thực hiện tập trung tại Trung tâm chưa triệt để.
Một mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh điển hình nữa là Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh thành lập tháng 3/2017, được xác định là cơ quan thuộc UBND tỉnh, trụ sở đặt chung địa điểm với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh. Trung tâm là đầu mối tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc và trả kết quả việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và cá nhân theo quy định. Đồng thời, Trung tâm tham gia đề xuất các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính và ứng dụng công nghệ thông và phần mềm điện tử nhằm tin học các giao dịch hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Sau 8 năm đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm Hành chính công của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, thời gian giải quyết nhiều thủ tục giảm đáng kể, từ tối đa 10 ngày đến tối thiểu 1 ngày. Đặc biệt, thủ tục “Cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho tổ chức và cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam thực hiện hợp đồng dự án nhóm B, C” đã giảm tới 16 ngày. Thời gian giảm bình quân là 4,8 ngày đối với nhóm thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết từ 30 ngày trở lên… Vị trí xếp hạng các chỉ số đánh giá địa phương của tỉnh như PCI, PAPI, PAR INDEX, ICT được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, việc đặt trụ sở Trung tâm Hành chính công tỉnh cùng địa điểm trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông phần nào làm giảm tính chuyên nghiệp và độc lập của Trung tâm. Việc không thành lập các Trung tâm Hành chính công cấp huyện đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình phân cấp và tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải công việc cho Trung tâm cấp tỉnh, hạn chế sự liên thông và triển khai đồng bộ các dịch vụ hành chính công...
Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và mô hình Trung tâm Hành chính công thuộc các sở, ngành của UBND 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước.
Với tính độc lập trong tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quy trình số hóa, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội Cù Ngọc Trang, thời gian tới Trung tâm tập trung hoàn thiện tổ chức, bộ máy; ưu tiên các giải pháp đột phá đầu tư phát triển công nghệ, sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Trung tâm sẽ nỗ lực nghiên cứu thí điểm thực hiện việc tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành từ ngày 1/2/2025.
Trung tâm cũng dự kiến thành lập 30 chi nhánh - là đơn vị trực thuộc, được thành lập trên cơ sở kế thừa, chuyển giao cơ sở vật chất, sắp xếp lại bộ phận “một cửa” thuộc UBND cấp huyện; trực tiếp giải quyết đối với một số thủ tục hành chính đang được ủy quyền cho công chức cấp xã. Mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%, trong đó 100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá.
Có thể khẳng định, việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho "Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh" của TP trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt.
(còn nữa)
06:00 02/12/2024