Bộ trưởng Tài chính Mỹ dẫn lời Tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hồi tháng trước tại Thụy Sĩ rằng, người đứng đầu nước Mỹ sẽ cân nhắc việc tái gia nhập TPP nếu Mỹ đạt được một thỏa thuận tốt hơn.
Ông Mnuchin cho biết, ông cùng Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và một số thành viên khác thuộc nhóm kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump đang trong quá trình thảo luận rất tích cực.
Tuy nhiên, Nhật Bản và 10 nước thành viên còn lại của TPP dường như không sẵn sàng tái đàm phán lại TPP. 11 nước đã nhất trí thúc đẩy phiên bản mới của TPP không có Mỹ dự kiến sẽ ký kết vào 8/3 tại Chile và sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm tới. Hiệp định mới đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tháng 11 năm ngoái bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhất trí với Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng: “Đây không chỉ đơn giản là sự khác biệt giữa 11 thành viên và 12 thành viên như ban đầu. Vấn đề ở đây là chúng tôi đã đạt được sự thống nhất tuyệt đối rằng 11 thành viên phải duy trì một hiệp định với các tiêu chuẩn cao, một hiệp định toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ là thị trường, cải cách thương mại… Vì lý do này, trong tình hình mới, các thành viên còn lại đã quyết tâm đi đến hết con đường và cả 11 Bộ trưởng đều đồng thuận rằng tên gọi toàn diện và tiến bộ là phù hợp nhất với chặng đường mới này”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản, so với 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận TPP, CPTPP có 20 điều khoản tạm hoãn. Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai.
Bên cạnh đó, theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu. Vì vậy, quy định này của CPTPP đã được thay đổi. Theo đó, chỉ cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn thì 60 ngày sau, hiệp định sẽ có hiệu lực.