Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách cứng rắn của FED và bài toán tỉ giá cho Việt Nam

Theo Quý An/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm nhằm kiềm chế lạm phát. Lãi suất vẫn có khả năng tiếp tục lên cao. Điều này sẽ đưa đồng USD tăng giá, có nguy cơ ảnh hưởng đến tỉ giá của Việt Nam.

Đồng USD được dự báo tiếp tục duy trì vị thế trong tương lai
Đồng USD được dự báo tiếp tục duy trì vị thế trong tương lai

FED còn tiếp tục siết chặt

“Thay vì tranh cãi về lãi suất đỉnh là bao nhiêu hay cần phải tăng lãi suất bao nhiêu lần nữa, điều chúng ta nên quan tâm là lãi suất sẽ kéo dài bao lâu” - Chủ tịch FED Chicago Austan nói.

Một số nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ giảm vào đầu năm sau do nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ xấu đi. Ví dụ, nếu tỉ lệ thất nghiệp tăng do lãi suất cao hơn, FED có thể sẽ cắt giảm lãi suất để ngăn tình trạng này.

Tuy nhiên, FED vẫn chưa đưa ra bất kỳ gợi ý nào về việc cắt giảm lãi suất, thậm chí có thể tăng tiếp trong năm nay. Thông điệp cứng rắn đã làm rung chuyển thị trường trái phiếu, làm tăng lợi suất trái phiếu dài hạn.

Ngoài kịch bản kinh tế suy thoái, FED cũng có thể cắt giảm lãi suất nếu lạm phát chậm lại quá mức. Eugenio Alemán, chuyên gia kinh tế trưởng tại Raymond James, cho biết: “Nếu FED thấy lạm phát xuống dưới mục tiêu 2%, họ có thể bắt đầu giảm lãi suất”.

Thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Joachim Nagel cho biết, ông không tin lạm phát đã được kiểm soát đủ để tạm dừng tăng lãi suất. Hướng đi tiếp theo sẽ phụ thuộc vào dữ liệu bổ sung trong những tuần tới.

“Đối với tôi, còn quá sớm để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất. Chúng ta không nên quên lạm phát vẫn ở mức khoảng 5%. Tỉ lệ này là quá cao. Mục tiêu của chúng tôi là 2%” - ông Nagel nói.

Hiện tại ở châu Âu, hoạt động kinh tế đang chậm lại, lạm phát cơ bản và thị trường lao động vẫn ở mức ổn định. Triển vọng kinh tế khu vực đồng Euro đã trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây do chính sách thắt chặt của ECB kể từ tháng 7.2022. Trong khi khối Eurozone cho về cơ bản sẽ “hạ cánh mềm”, chỉ riêng Đức lại đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong mùa đông trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt.

Tỉ giá VND/USD vẫn trong tầm kiểm soát

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Mạnh Hùng - chuyên viên cao cấp tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS - cho biết, với tình hình hiện tại, cụ thể là sau cuộc họp Jackson Hole của FED, quyết định giữ lãi suất cao trong thời gian dài là phù hợp với kỳ vọng của thị trường trong thời gian qua. Chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng một đợt tăng lãi suất với 0,25% vào tháng 11.

Về tác động với tỉ giá tại Việt Nam, vị chuyên gia phân tích: “Vấn đề hiện tại là quãng thời gian FED duy trì lãi suất cao. Việc cắt giảm rất có thể sẽ phải sang năm sau hoặc thậm chí là đến năm 2025, nghĩa là đồng USD sẽ còn tiếp tục duy trì vị thế cao. Hệ quả kéo theo là tỉ giá VND/USD có thể phải nhận áp lực lớn hơn và kéo dài xu hướng cho đến cuối năm”.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn thuận lợi hơn nhiều so với năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 6 tỉ USD dự trữ ngoại hối. Một cơ hội khác từ việc tỉ giá tăng cao là kích thích xuất khẩu, đem thêm nguồn lợi cho các doanh nghiệp, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế của cả nước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn đang được duy trì ở mức ổn định.

“Mọi thứ vẫn ở trong tầm kiểm soát với nước ta, từ lạm phát cho đến ngoại hối. Tôi cho rằng chính sách nới lỏng vẫn sẽ tiếp tục để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, sức ép về tỉ giá VND/USD vẫn luôn hiện hữu. Nếu khoảng cách quá cao, tiền đồng sẽ ít hấp dẫn hơn, người dân sẽ tìm đến ngoại tệ để nắm giữ. Do đó, việc giữ ổn định tỉ giá là mục tiêu tiên quyết để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư” - ông Hùng nhận định.