Chính sách đặc thù của Hà Nội: Đối tượng thuộc diện hưởng 2 chế độ thì lựa chọn thế nào?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một trong số các chế độ hỗ trợ thuộc chính sách đặc thù của TP Hà Nội. Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 15/8/2021 thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân TP về việc quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Kế hoạch yêu cầu việc thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một trong số các chế độ hỗ trợ. Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện hưởng 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.
Người thuộc diện hỗ trợ là thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn được hưởng hỗ trợ theo chính sách khác quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND.
 Bí thư Đảng ủy phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) Lê Thị Mỵ trao hỗ trợ cho người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phương thức chi trả chính sách hỗ trợ được thực hiện một lần trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Riêng đối tượng bảo trợ xã hội do các Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý thuộc Sở LĐTB&XH do Trung tâm Bảo trợ xã hội chi trả cho gia đình đối tượng.
Về kinh phí thực hiện, đối với Sở LĐTB&XH: Kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách TP đảm bảo theo quy định.
Đối với các quận, huyện, thị xã: Sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã (50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư) để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng; ngân sách TP bổ sung kinh phí còn thiếu cho các huyện, thị xã để thực hiện chính sách.
UBND TP giao cho các sở, ngành liên quan, UBND cấp quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; hằng ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đảm bảo thuận lợi nhất cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ.
Các sở, ngành liên quan, UBND cấp quận, huyện tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ bằng các hình thức thuận lợi cho người lao động như: Trực tiếp, bưu điện, trực tuyến, qua tài khoản... phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Đồng thời công khai các nhóm đối tượng hỗ trợ, trình tự, thủ tục, hồ sơ các chính sách hỗ trợ và biểu mẫu trên trang thông tin, phương tiện truyền thông và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
UBND TP đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND cấp quận, huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo UBND TP những vấn đề vượt thẩm quyền.
Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tổng hợp kết quả tổ chức triển khai thực hiện báo cáo UBND TP (quan Sở LĐTB&XH) định kỳ trước ngày 20 hằng tháng hoặc đột xuất khi được yêu cầu.
Trước đó, Thường trực HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021, Quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nghị quyết quy định 9 nhóm đối tượng được hỗ trợ, bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, người lao động, chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, người lao động đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần