Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

Hoàng Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về các chính sách hỗ trợ DN mới đây của Chính phủ, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân khẳng định: Các chính sách đều hết sức kịp thời và phù hợp với tình hình phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

 
Bà đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ DN?
- Cần khẳng định các chính sách, nhất là Nghị quyết 128 của Chính phủ mới được ban hành hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đây là Nghị quyết được người dân, DN, các tầng lớp xã hội mong đợi, đồng tình, đánh giá cao và tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch, thống nhất trong toàn quốc.

Ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, hàng loạt DN trong các KCN-CX, CCN của TP Hà Nội đã nhanh chóng bắt tay phục hồi sản xuất. Hầu như các DN không bị thiếu lao động (do trở về quê như các tỉnh phía Nam), các DN đã chủ động hướng tới các mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Vậy bà nhắn nhủ gì với các DN?

- Câu chuyện quay trở lại hoạt động không chỉ dựa trên kế hoạch, các chính sách của Nhà nước, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của bản thân mỗi DN, nhanh chóng tăng tốc bù lại thời gian do giãn cách, tăng năng suất lao động và thêm giờ. Các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế gồm: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Các DN đã tái cấu trúc để tăng đà phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tái cấu trúc DN lúc này rất quan trọng, nhất là khi đại dịch Covid-19 khiến cho DN phải thay đổi phương thức hoạt động thích ứng nhanh với tình hình kinh doanh mới và trước xu hướng hội nhập cao. Hậu dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ cấp bách hiện nay để ổn định và từng bước lấy lại đà tăng trưởng của DN.

Về phía các cơ quan quản lý cần phải như thế nào để hỗ trợ cộng đồng DN tiếp tục hoạt động, thưa bà?

- Việc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN là giải pháp chính góp phần thúc đẩy hồi phục sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, các ngành có ưu thế, cơ hội phát triển như: Chế biến thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế, chế tạo thiết bị trong lĩnh vực thông tin, truyền thông… được tập trung thúc đẩy, bù đắp cho lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Một số giải pháp khác cũng đã được Hà Nội tích cực triển khai, như chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp. Sở Công Thương tích cực thực hiện các đề án hỗ trợ kết nối DN chế biến - chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn... với hệ thống phân phối, tiêu thụ; đồng thời tổ chức kích cầu thị trường nội địa thông qua hội chợ, tuần hàng, sự kiện khuyến mại tập trung… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Xin cảm ơn bà!