Chính sách mới về giao thông vận tải có hiệu lực từ tháng 8/2023

Minh Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 8/2023 một số chính sách mới về giao thông vận tải sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Chính sách mới về giao thông vận tải có hiệu lực từ tháng 8/2023 - Ảnh 1
Từ ngày 1/8/2023, tăng phí sát hạch lái xe.

Tăng phí sát hạch lái xe

Từ ngày 1/8/2023, phí sát hạch lái xe sẽ áp dụng theo quy định mới tại Thông tư số 37/2023/TT-BTC ngày 7/6/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.

Cụ thể, mức phí sát hạch lái xe đối với thi sát hạch lái xe các hạng xe A1, A2, A3, A4 gồm: Sát hạch lý thuyết là 60.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ là 40.000 đồng/lần; sát hạch thực hành là 70.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so mức cũ 50.000 đồng/lần.

Đối với thi sát hạch lái xe ô tô hạng xe B1, B2, C, D, E, F, phí sát hạch lý thuyết là 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng so với mức cũ là 90.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trong hình là 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng so với mức cũ là 300.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trên đường giao thông là 80.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ 60.000 đồng/lần; sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông là 100.000 đồng/lần.

Thông tư số 37/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.

Biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe

Ngày 1/7/2023, Bộ Công an ban hành Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới gồm 4 Chương, 40 Điều.

Thông tư này quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, bao gồm: Đăng ký xe lần đầu; đăng ký sang tên, di chuyển xe; cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá (sau đây gọi chung là đăng ký xe); hướng dẫn giải quyết một số trường hợp cụ thể; biểu mẫu, thời hạn sử dụng chứng nhận đăng ký xe, xác định năm sản xuất của xe và biển số xe.

Đáng chú ý, Thông tư này quy định biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh). Theo đó, biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số theo quy định tại Thông tư này.

Cụ thể, đối với chủ xe là công dân Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân.

Chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú hoặc số chứng minh thư khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đối với chủ xe là tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập; trường hợp chưa có mã định danh điện tử của tổ chức thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập.

Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì biển số định danh của chủ xe được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.

Số biển số định danh được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày thu hồi; quá thời hạn nêu trên, nếu chủ xe chưa đăng ký thì số biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì được giữ lại biển số định danh đó (không phải đổi biển số xe).

Thông tư 24/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Sửa đổi tiêu chuẩn của Đăng kiểm viên tàu biển

Ngày 30/6/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 17/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2016/TT-BGTVT và Thông tư 51/2017/TT-BGTVT.

Theo đó, Thông tư 17/2023/TT-BGTVT sửa đổi khoản 1 Điều 8 Thông tư 51/2017/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn của Đăng kiểm viên tàu biển như sau:

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

- Hoàn thành các khóa tập huấn nghiệp vụ mới, bổ sung, cập nhật cho đăng kiểm viên tàu biển về nghiệp vụ đăng kiểm phương tiện và sản phẩm công nghiệp, nghiệp vụ đánh giá hệ thống quản lý do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài đã ký thỏa thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức.

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

- Đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá đăng kiểm viên trước khi công nhận đăng kiểm viên tàu biển

- Có thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu biển tối thiểu:

+ 3 tháng đối với người đã là đăng kiểm viên của tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), người đã có trên 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển;

+ 6 tháng đối với người đã có từ 1 đến 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển;

+ 1 năm đối với các trường hợp khác.

Quy định về đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa

Ngày 30/6/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 16/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Theo đó, Thông tư 16/2023/TT-BGTVT sửa đổi Điều 6 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT quy định các loại hình kiểm tra phương tiện thủy nội địa như sau:

- Các loại hình kiểm tra phương tiện bao gồm:

+ Kiểm tra lần đầu, bao gồm: kiểm tra phương tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm;

+ Kiểm tra chu kỳ, bao gồm: kiểm tra định kỳ; kiểm tra hàng năm; kiểm tra trên đà; kiểm tra trung gian;

+ Kiểm tra bất thường;

+ Kiểm tra hoán cải.

- Nội dung và thời hạn các loại hình kiểm tra được thực hiện theo quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 48/2015/TT-BGTVT.