Chính sách mới về xây dựng, môi trường, khoa học và công nghệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 11 – 20/6/2015, nhiều chính sách về xây dựng, môi trường, khoa học và công nghệ bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, nổi bật là các quy định sau:

Hướng dẫn mới về Hợp đồng xây dựng

Từ ngày 15/6/2015, Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng có hiệu lực với nhiều điểm mới, đáng chú ý là về điều khoản chấm dứt hợp đồng.

Theo đó, bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

- Bên giao thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên nhận thầu;

- Sau năm mươi sáu (56) ngày liên tục công việc bị dừng do lỗi của bên giao thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu sau 56 ngày kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Khi chấm dứt hợp đồng các bên phải hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng, thời gian thanh lý theo thỏa thuận nhưng không quá 56 ngày kể từ ngày thông báo chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác.

Nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đến năm 2020

Nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020 được lựa chọn theo nguyên tắc nêu tại Điều 4 Thông tư 08/2015/TT-BKHCN và đáp ứng điều kiện sau:

- Mục tiêu phù hợp với văn bản hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài, đồng thời giải quyết được ít nhất một trong các vấn đề chủ yếu (mang tính chiến lược, lâu dài; trọng tâm, trọng điểm...).

- Phải đạt được một trong những kết quả sau: tạo ra công nghệ mới; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao; phát triển các tổ chức, tập thể nghiên cứu mạnh, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

- Tổ chức, cá nhân trong nước tham gia phải có đủ năng lực thực hiện, đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Đối tác nước ngoài phải đảm bảo năng lực và cam kết hợp tác nghiên cứu theo đúng mục tiêu, nội dung đã thỏa thuận.

- Có phương án phối hợp cụ thể với đối tác nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/06/2015.

 Xử phạt hành vi vi phạm chi trả dịch vụ môi trường rừng

Từ ngày 20/6/2015, sau 3 tháng sử dụng dịch vụ môi trường rừng, người sử dụng không ký hợp đồng chi trả tiền sử dụng dịch vụ sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu không ký hợp đồng đối với chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả trực tiếp.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh trong trường hợp chi trả gián tiếp.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam trong trường hợp chi trả gián tiếp.

Nội dung này được quy định tại Nghị định 40/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, còn bắt buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Kinh tế đô thị cuối tuần