Ảnh minh họa |
Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc tên đầy đủ là Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác là một trong các văn kiện nhân quyền quốc tế và khu vực, dưới sự duyệt xét lại của Liên hợp quốc, nhằm mục đích phòng chống tra tấn trên toàn thế giới.
Công ước này đòi các nước phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong nước mình, và nghiêm cấm các nước trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn. Bản văn Công ước đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp thuận ngày 10/12/1984. Tiếp sau sự phê chuẩn của nước ký kết thứ 20 thì Công ước đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Giờ đây, ngày 26/6 được công nhận là Ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn để vinh danh Công ước này.
Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc ký kết, phê chuẩn Công ước có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta cũng như thể hiện sự quyết tâm duy trì nền tảng đạo đức, pháp lý và văn hóa quyền con người đang được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013; cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hiệu quả trong đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam.
Việc phê chuẩn Công ước này cũng tạo điều kiện để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người. Thực hiện đúng các nội dung Công ước, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định Công ước. Viện KSND Tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Công ước chống tra tấn. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quan tâm đặc biệt.
Hiến pháp năm 2013 đã có một số quy định phù hợp với Công ước chống tra tấn, như: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1, Điều 31); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.” (khoản 4, Điều 31); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật” (khoản 5, Điều 31); “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích Hợp pháp của đương sự được bảo đảm” (khoản 7, Điều 103)…
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Mà theo đó, rất nhiều những nội dung quy định có tính nguyên tắc được đưa vào Bộ luật này là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, như: Cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 8 Bộ luật Tố tụng hình sự thành Quy định về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích Hợp pháp của cá nhân. Quy định về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang… Cụ thể hóa khoản 5, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 thành quy định tại Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân. Ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội theo đúng tinh thần quy định tại khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự phù Hợp với nội dung quy định của Công ước chống tra tấn. Cụ thể hóa quy định tại khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
Ngày 12/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Đề án được ban hành nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và Công ước chống tra tấn được tiến hành thường xuyên, liên tục gắn với việc triển khai có hiệu quả pháp luật tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan; lồng ghép triển khai Đề án với triển khai các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn với triển khai tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; lồng ghép, tích hợp các quy định pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn trong nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo các chức danh tư pháp và các nhà trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.