Chính sách phải xuất phát từ thực tiễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 12/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc xử phạt phương tiện giao thông không sang tên chính chủ được đưa ra trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang được dư luận quan tâm, ĐB Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Đây là một vấn đề cần được quy định

Chính sách phải xuất phát từ thực tiễn - Ảnh 1
Vậy, ý kiến của ông như thế nào khi quy định này đang gây phản ứng mạnh từ phía người dân?

- Việc chứng minh xe là chính chủ vô cùng vô lý, làm gì mỗi người có một chiếc xe, có khi hai vợ chồng đi chung một chiếc. Ví dụ như con ruột mang họ tôi, nhưng con rể, con dâu đứng tên xe mà lại bảo tôi phải đi chứng minh vì không đúng họ. Rồi còn bảo là cùng hộ khẩu. Tôi hộ khẩu ở Hà Nội, còn con tôi hộ khẩu ở trong quê, bảo tôi chứng minh kiểu gì? Nếu cơ quan chức năng không tin tưởng, "đè" tôi ra phạt, như vậy là hết sức vô lý.

 
Ý tưởng khi ban hành chủ trương này là tốt, khi phải tập trung vào đối tượng mua đi bán lại, không sang tên đổi chủ là trốn thuế, nhưng chúng ta khó truy tìm, khó điều tra. Để giải quyết phải có biện pháp khác, đồng bộ hơn, chứ cách làm này theo tôi không khả thi, gây một sự phản ứng không cần thiết trong nhân dân.

 
Liệu có phải chính sách đưa ra đã không xuất phát từ thực tế, hay yếu kém trong việc thẩm tra?

 
  - Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này có lý luận mà thiếu thực tiễn hay nói khác đi đây là những người "ngồi trên trời" mà làm chính sách. Những chính sách không có tính khả thi rõ ràng không thể đi vào cuộc sống, không phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Bởi chính sách phải xuất phát từ trong thực tiễn, không có thực tiễn thì dùng chính sách để làm gì? Ngay cả bây giờ cảnh sát giao thông cũng không thể phạt người dân được. Chẳng lẽ đi đâu cũng phải mang theo hộ khẩu?

 
Ông có cho rằng, với trách nhiệm của mình, UBTV Quốc hội có nên "tuýt còi" Nghị định này không, thưa ông?

 
- Tôi nghĩ sai thì phải sửa. Còn nếu nói là phù hợp thì phải có hướng dẫn thật cụ thể để cho điều luật đi vào cuộc sống.Các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước phải đưa ra quy định để làm sao quản lý cho tốt, chứ đưa ra một quy định, chính sách mà nhân dân phản ứng là chưa được.

 
 Tôi nhắc lại, ở đây phải xem xét lại trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm đã đưa ra các quy định không đúng ấy. Trước phản ứng của dư luận, của nhân dân, cơ quan ban hành chính sách, quy định đó phải điều chỉnh.

 
Ông nghĩ sao khi từ Nghị định này, nhiều ý kiến cử tri cho rằng có không ít chính sách ban hành gần đây cũng đang làm khó cho dân như thuế, phí?

 
- Tôi nghĩ bất cứ chính sách nào được ban hành, ý tưởng đều rất tốt, nhưng ở "trên trời" mà định vị thì chính sách không có thực tiễn. Do vậy, làm chính sách phải xuất phát từ tình hình thực tiễn.

 
Ban hành mà xa rời chính sách thực tiễn thì rõ ràng không đi vào cuộc sống, gây phản ứng từ phía nhân dân cũng là điều khó tránh.

 
Trước đây, Viện Kiểm sát có nhiệm vụ "tuýt còi" những văn bản "trên trời", nhưng sau khi giao cho Bộ Tư pháp tình hình như thế nào thưa ông?

 
- Tôi nghĩ bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát cũng là một trong những "lỗ hổng" của pháp luật. Khi giao cho các cơ quan khác lại chưa đạt được mục đích, do vậy theo tôi phải xem xét lại việc này.
 
Xin cảm ơn ông!