Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á và khu vực xung quanh”

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là tiêu đề một cuốn sách sắp ra mắt theo hợp tác giữa ĐH KHXH&NV và quỹ KAS (Đức).

Cuốn sách quy tụ các ý kiến, nghiên cứu và tham luận thu thập qua một hội thảo do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS), CHLB Đức tổ chức với chủ đề ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hồi tháng 5/2021. Qua đó góp phần đưa những kết quả nghiên cứu đến gần hơn với các độc giả, nhà hoạch định chính sách.  
GS Detlef Briesen - Cố vấn Giáo dục Đại học của DAAD – Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức, một trong số các nhà biên soạn cho biết, nội dung cuốn sách bao gồm 3 phần chính: Chính sách của từng quốc gia trong khu vực ASEAN, Hợp tác trong nội khối ASEAN và Tình hình ngoài khu vực Đông Nam Á.
 
Cuốn sách đưa ra những cách tiếp cận khác biệt về hiệu quả chính sách của các quốc gia, cụ thể là đề cập đến tính thực tiễn của mục tiêu “kép”  nhằm cùng lúc đảm bảo sự an toàn cho người dân đồng thời phát triển kinh tế, cũng như phương tiện và nguồn lực để đạt được.
Đại dịch đã tạo ra nhiều tình thế khó xử để cân bằng giữa các mục tiêu và trọng tâm khác nhau ở mỗi quốc gia. Hiện không có “giải pháp vàng” cho mọi tình huống mà mỗi quốc gia vẫn đang phải bàn thảo để tìm ra những phương thức tối ưu. Làm sao để dung hòa lợi ích của những nhóm khác nhau trong bối cảnh đại dịch – câu hỏi này là tiền đề để phân tích những câu chuyện của ASEAN và khu vực xung quanh.
Cuốn sách cũng tập trung phân tích chính sách ứng phó  với đại dịch của ASEAN trong từng trường hợp các nước. Trong khi Singapore hay Myanmar có cách thức tiếp cận đối lập. Phản ứng của người dân các quốc gia ASEAN cũng khác nhau dựa trên văn hóa lâu đời. Ví dụ như tại quốc gia ảnh hưởng văn hóa Mỹ - Latin như Philippines, sự phân hóa xã hội biểu hiện rõ rệt trong quá trình chính phủ triển khai chính sách chống Covid-19.
Trong đó, Việt Nam là quốc gia có mô hình chính sách bao trùm, với mục tiêu chống dịch cân bằng với nguồn lực hữu hạn.
Những nghiên cứu về hợp tác giữa ASEAN và tác động với kết quả chống dịch của khu vực mặt khác cũng đưa ra cái nhìn mới về mức độ kết nối giữa các quốc gia thành viên.  Nhìn chung, những nghiên cứu trong cuốn sách chỉ ra hạn chế và lợi thế của các cách thức hiệu quả và chưa hiệu quả của các chính sách chống dịch của các quốc gia ASEAN và khu vực xung quanh, từ đó rút ra được những bài học quý báu.
Bản in của cuốn sách sẽ chính thức được xuất bản vào năm 2022, trong khi bản online sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay.