Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách tài khóa - tiền tệ trong bối cảnh dịch Covid-19: Cần kịch bản cụ thể

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn lúc nào hết, các gói chính sách tài khóa - tiền tệ đang ngày càng trở nên quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế; đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi tại Phiên chuyên đề 1 “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra chiều 5/12.

Bảo đảm hài hòa hai chính sách tài khóa và tiền tệ

Phân tích tình hình thực trạng ngân sách giai đoạn vừa qua, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 và 2023 khoảng từ 3,8 - 4% GDP là phù hợp, nếu chưa tính đến chi phí y tế.

Lý thuyết kinh tế cho thấy tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tới các biến số vĩ mô của nền kinh tế rất phức tạp. Chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ đều được thực hiện dựa trên một số công cụ chính sách nhất định mà mỗi công cụ này có hiệu lực đối với một hoặc một số mục tiêu nhất định. Do vậy, việc phối hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ làm tăng số lượng các công cụ chính sách sẵn có, giúp tăng tính hiệu lực chung của chính sách kinh tế vĩ mô.

Toàn cảnh Phiên chuyên đề 1 “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”

Một lý do khác cần phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, những quyết định của chính sách tài khóa đòi hỏi thời gian dài không chỉ trong việc ra quyết định mà còn trong thực thi quyết định, không đáp ứng được yêu cầu xử lý các tình huống nhanh chóng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ chỉ có thể tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua hành vi của doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc kết hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khắc phục hạn chế về độ trễ của mỗi chính sách, tính linh hoạt, phù hợp với năng lực ngân sách và bảo đảm tính ổn định của mỗi chính sách.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cả tổng cung và tổng cầu bị suy giảm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc có một gói hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết.

Đưa ra gợi ý chính sách, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn, trong hai năm 2022 và 2023 khoảng 6% GDP (nếu tính cả hỗ trợ về y tế). Bảo đảm hài hòa hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh khả năng giải ngân, thực hiện hàng loạt giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Theo ông Vũ Sỹ Cường, để giảm lãi suất cho vay, bên cạnh điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, cần thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng, cũng như sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngân hàng có không gian rộng hơn về huy động tín dụng.

Do suy giảm tăng trưởng trong năm 2021 có nguyên nhân chính từ y tế (dịch bệnh Covid-19), nên PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, một yêu cầu quan trọng khác là chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế. Đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.

Nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa

Tham gia thảo luận bàn tròn, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế cần quán triệt nguyên tắc bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách phải thông báo nhanh chóng với thị trường. Nếu tình hình thực tế có thay đổi cần cho phép chuyển hóa nguồn lực thực hiện.

So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy, dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là “bóng ma”, nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.

Nhấn mạnh đặc điểm độ trễ trong và độ trễ ngoài khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ở nước ta đều dài. Chính sách tài chính và ngân hàng đều mất từ 6 - 8 tháng mới có thể triển khai. Do vậy, TS Võ Trí Thành đề nghị, cần có khung pháp lý để hệ thống ngân hàng thương mại “có thể và dám làm việc hỗ trợ lãi suất”. Tất nhiên, sự hỗ trợ lãi suất này phải trên cơ sở sự tường minh trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Nhà nước. Bởi, thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn có ngân hàng thương mại chưa quyết toán được.

Thực tế cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát.

Phân tích trên bối cảnh hiện nay của Việt Nam, TS Võ Trí Thành lưu ý, điều chỉnh chính sách tài khóa tác động đến lạm phát không nhiều, song sẽ ảnh hưởng ngay đến lãi suất cho vay. Điều này cũng phù hợp với việc các quốc gia trên thế giới sẽ thu hẹp việc nới lỏng tiền tệ, gói hỗ trợ. Do vậy, để thu hút nguồn lực thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế (như cho các định chế tài chính mua trái phiếu), TS Võ Trí Thành tán thành với việc “có thể suy nghĩ nới các chỉ tiêu bội chi, nợ công”.

Hành động nhanh để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Tham gia thảo luận, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset nhận định, năm 2021 là năm rất khó khăn với Việt Nam. Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5 - 5,5%, Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2 - 2,5%.

Để đạt được sự bứt phá về tăng trưởng, ông Jacques Morisset cho rằng, chính sách thuế tốt không chỉ bảo đảm nguồn lực cho ngân sách nhà nước mà còn có thể là một trong những công cụ giúp bảo vệ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và phục hồi kinh tế trong khủng hoảng, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset nhận định, năm 2021 là năm rất khó khăn với Việt Nam

Kinh tế trưởng WB Jacques Morisset cũng cho biết, trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng chính sách thuế để tăng thu ngân sách nhà nước, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong khủng hoảng, cải thiện công bằng xã hội, đầu tư cho y tế, bảo vệ sức khoẻ của người dân và phát triển xanh. Các nước hiện đang áp dụng nhiều công cụ khác nhau trong chính sách thuế. Thời gian qua, Việt Nam mới chủ yếu sử dụng chính sách tiền tệ và còn nhiều dư địa để sử dụng chính sách tài khóa cho phục hồi kinh tế.

Bối cảnh mới đòi hỏi cần có giải pháp mới. Phục hồi sau khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Khẳng định điều này, song Kinh tế trưởng WB cũng lưu ý, "không được bỏ quên mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam". Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Theo dự báo của Kinh tế trưởng WB, thì "một thỏa thuận thuế toàn cầu là không xa trong tương lai". Các ưu đãi thuế như miễn giảm thuế không còn hiệu quả vì tất cả các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải trả mức thuế tối thiểu là 15% tại quốc gia cư trú.

Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Kinh tế trưởng WB cho rằng, cần thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung, như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi. Tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ; tăng cường các quy định chống chuyển dịch lợi nhuận; áp dụng hoặc tăng cường đánh thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số; giảm danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng hoặc hưởng thuế suất 5%; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon; ban hành thuế tài sản…

Không chủ quan với lạm phát

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà khẳng định, để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN cùng hệ thống ngân hàng sẽ đồng hành cùng nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát. Từ năm ngoái đến nay, NHNN Việt Nam và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách tiền tệ của Việt Nam ở mức trung bình của thế giới.

Bên cạnh việc duy trì khối lượng thanh khoản tốt trên thị trường, NHNN đã điều hành hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Có 16 ngân hàng thương mại cam kết tiếp tục hạ lãi suất từ tháng 7 đến hết năm nay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Nhìn nhận về thách thức trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Các ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. NHNN sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng. Phó Thống đốc NHNN cho biết sẽ hết sức lưu tâm vấn đề này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Song song với thách thức vẫn có những cơ hội. Đó là với lượng thanh khoản tốt, thị trường vốn và chứng khoán rất lớn có cơ hội tăng vốn cho ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại lớn. Hiện, dư nợ nền kinh tế đạt 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu tăng một đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế.

“Cùng với đó, chuyển đổi số cũng là cơ hội cho ngành ngân hàng và thực tế ngân hàng đang tiên phong trong vấn đề này. Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát” - ông Phạm Thanh Hà khẳng định.