Chính sách thắt chặt chi tiêu có nguy cơ phá sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đúng như dự đoán, vài ngày sau các cuộc bầu cử chống “thắt lưng buộc bụng” tại Pháp, Hy Lạp, Italia, lãnh đạo khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đối mặt với những khó khăn khi các chính trị gia vừa thắng cử bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm loại bỏ ngân sách khắc khổ.

Sau khi Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias trao quyền thành lập Chính phủ cho Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza) - đảng vừa về thứ hai trong cuộc bầu cử hôm 6/5), lãnh đạo Syriza là Alexis Tsipras tuyên bố nội các mới do ông thành lập sẽ bãi bỏ toàn bộ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà Chính phủ tiền nhiệm đã áp dụng để đổi lấy gói cứu trợ 130 tỷ Euro của EU và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF). Việc Syriza và các chính đảng chống lại ngân sách khắc khổ có thể tập hợp được 151 ghế, trong Quốc hội 300 ghế để thành lập Chính phủ đã tạo thành nguy cơ khiến IMF phải chịu sức ép mới trong việc điều chỉnh các điều khoản cho vay đối với Hy Lạp. Trong khi đó, quá trình đánh giá tiến độ cải cách kinh tế của Athens do IMF và EU thực hiện để đưa ra quyết định cứu trợ tiếp theo sẽ bị trì hoãn do bất ổn chính trị tại Hy Lạp.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết một Hội nghị thưởng đỉnh đặc biệt dự kiến được tổ chức trong vòng 2 tuần tới, với việc Tổng thống mới đắc cử của Pháp Francois Hollande sẽ công bố những đề xuất mới để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực. Nhiều khả năng ông Hollande sẽ kêu gọi Eurozone tăng cường chi tiêu, đầu tư để kích thích tăng tưởng, tạo việc làm... Ông Olli Rehn, Cao ủy EU về đối phó khủng hoảng nợ cho biết eurozone đang cố gắng tìm thời điểm thích hợp để xem xét và nghiên cứu các đề xuất được đưa ra trong bầu không khí chính trị mới của khu vực hiện nay, một động thái cho thấy các quan chức eurozone đang chuẩn bị cho quá trình chuyển dịch chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho rằng, kết quả bầu cử ở Pháp và Hy Lạp đã thay đổi bộ mặt chính trị của khu vực và nhiều khả năng lãnh đạo EU sẽ đồng ý tăng vốn của Ngân hàng Đầu tư châu Âu thêm 10 tỷ Euro vào tháng tới nhằm phục vụ dự án thí điểm xây dựng cơ sở hạ tầng trên quy mô toàn châu Âu năm nay. Dự án này là bước đi đầu tiên cho thấy EU đang tìm cách chi tiêu cho hạ tầng đề kích thích tăng trưởng, một ý tưởng khá gần với cương lĩnh tranh cử giúp ông Hollande chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp. Thậm chí số tiền 82 tỷ Euro trong ngân sách trung hạn của EU có thể được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng và công ăn việc làm, dấu hiệu cho thấy nguy cơ phá sản chính sách thắt lưng buộc bụng tại Eurozone ngày càng cao.

Tuy nhiên, không phải quan chức nào, quốc gia nào cũng đồng tình với những động thái nhằm chống lại cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần 30 tháng qua ở Eurozone. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 9/5, ông Jorg Asmussen, quan chức cao cấp của Đức tại ECB cho biết: “Khi nào còn là thành viên của Eurozone, Hy Lạp không có quyền thay đổi chương trình cắt giảm ngân sách đã được thông qua”. Như vậy, tối hậu thư của Berlin là rất rõ ràng: Nếu không giữ lời hứa của mình, Athens sẽ không nhận được bất kỳ một xu nào từ gói cứu trợ đã phải rất khó khăn mới được phê duyệt. Thị trường chứng khoán Hy Lạp đã đóng cửa ở mức thấp nhất trong gần 20 năm qua trong khi thị trường Anh giảm 1,78%, Đức mất 1,95%, Pháp giảm 2,8%, Tây Ban Nha giảm 0,8%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần