Vị trí Top đầu trong bảng xếp hạng năm nay tiếp tục ghi nhận những tên tuổi quen thuộc có đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước nhiều năm qua: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel, Tổng Công ty khí Việt Nam, Công ty Honda Vietnam,…
Mặc dù đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nhưng trong bảng xếp hạng V1000 năm nay, khối DN Nhà nước vẫn tiếp tục là nguồn lực chủ yếu khi bảng xếp hạng ghi nhận đóng góp lớn của khối này vào thu ngân sách lên tới gần 60% tổng số thuế thu nhập DN của toàn bảng xếp hạng. Tăng đáng kể so với tỷ lệ 45% của năm 2015. Trong khi đó, 3 ngân hàng Nhà nước đứng ở ba vị trí liên tiếp trong bảng Top 10 là: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Khối DN tư nhân có khởi sắc nhẹ với tỷ lệ đóng góp là 27%. Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 cũng lần đầu tiên ghi nhận một DN tư nhân, Vinamilk, đứng trong Top 5.
Các ngành khoáng sản, xăng dầu tuy gặp nhiều biến động không thuận lợi, số lượng trong Bảng xếp hạng V1000 năm nay không nhiều nhưng vẫn đóng góp đến 30% tỷ trọng đóng thuế của ngân sách quốc gia. Đứng vị trí thứ hai là ngành viễn thông, tin học, CNTT với mức tỷ trọng đạt 15%; Ngành tài chính với 11%. Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản mặc dù có số DN chiếm nhiều nhất trong bảng xếp hạng nhưng tỷ trọng đóng góp chỉ ở mức 8% trong tổng số thuế đóng góp.
Cũng theo số liệu thống kê, tổng số thuế mà các DN trong Bảng xếp hạng V1000 năm nay đóng góp vào ngân sách đạt hơn 90.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11,87% so năm 2015 và chiếm khoảng 10,41% tổng thu ngân sách năm 2015... Trong đó, Top 100 DN đứng đầu đã đóng góp gần 75% tổng số thuế thu nhập DN.
Trong khuôn khổ chuẩn bị công bố Bảng xếp hạng V1000 một cuộc khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các DN V1000 trong 5 năm trở lại đây cũng đã được tiến hành nhằm tổng hợp những nhận định của các DN trước những nỗ lực cải cách của ngành thuế trong thời gian vừa qua. Kết quả cho thấy, có đến 88% DN phản hồi đánh giá từ tích cực đến khá tích cực về sự chuyển biến của pháp luật thuế trong khoảng thời gian này và chỉ có 1% DN phản hồi có phần tiêu cực. Các chính sách, văn bản nhà nước đưa ra trong hạng mục thuế đã thuyết phục được số đông các DN về tiến trình cải cách thuế.
Ngoài ra, đối với việc ứng dụng CNTT trong cải cách thuế, số DN quan tâm đến vấn đề thủ tục kê khai thuế qua mạng đã tăng đáng kể từ 11% năm 2014 lên 23% năm 2015, trở thành mối bận tâm đứng thứ ba, sau thủ tục hành chính, trước cả nỗi lo hàng năm của DN về vấn đề biểu mẫu rườm rà, hay thay đổi. Tuy nhiên, nhiều DN cũng phản hồi nguyện vọng mong muốn được hướng dẫn cụ thể, và phổ cập phần mềm kê khai cho phù hợp với hệ thống công nghệ thông tin tại địa phương.