Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam
Kinhtedothi - Chiều 6/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài thông tin về tác động của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, chính sách này tác động đáng kể và đa chiều đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam; ảnh hưởng đến tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu. Việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu khi mức độ cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với nước khác sẽ kém đi, đồng thời giảm sức mua của thị trường Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết Chính phủ đã có những giải pháp sáng tạo, chủ động, kịp thời, thích ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Bộ Công Thương cũng đã có công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ.
“Tại cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 4/4/2025, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương. Trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là bước quan trọng để giải quyết vấn đề chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho rằng, thời gian tới xác định hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều thách thức, các bộ ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để chủ động bảo đảm tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng bên cạnh những thách thức, đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; tăng cường tính tự chủ, tăng cường giá trị tạo ra trong nước theo hướng xanh, số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Từ đó xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm, thị trường và tài nguyên trong nước.
Khuyến nghị các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp trước chính sách thuế quan của thị trường thế giới, ông Trương Thanh Hoài đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi, cập nhật thông tin thị trường và chính sách thương mại của thị trường thế giới để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp; trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và khai mở những thị trường tiềm năng, mới nổi; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng các chính sách phòng vệ thương mại; bảo đảm xuất xứ, nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất.

Thủ tướng: Tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ bằng biện pháp thuế quan và phi thuế quan
Chiều 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 2 của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để tiếp tục đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Giới chuyên gia hoài nghi hiệu quả chính sách thuế quan của Tổng thống Trump
Kinhtedothi - Mặc dù Tổng thống Donald Trump kỳ vọng chính sách thuế quan sẽ thúc đẩy sự phục hồi ngành sản xuất tại Mỹ, nhưng các chuyên gia lại cho rằng thực tế không đơn giản như vậy, do nhiều yếu tố phức tạp cũng như rủi ro cần được xem xét kỹ lưỡng.

Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt: đâu là yếu tố “sống còn” cho doanh nghiệp
Kinhtedothi - Tối 5/4, Viện Doanh Trí phối hợp với Câu lạc bộ CEO 1983 (Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia”.