Chính thức có thương hiệu bánh Cuốn Thanh Trì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/4, làng nghề bánh cuốn Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đón nhận Quyết định sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học - Công nghệ cho sản phẩm Bánh cuốn Thanh Trì - thứ quà quê nổi tiếng lâu nay có mặt trong và ngoài nước.

Thương hiệu bánh cuốn Thanh Trì

Sau 1 năm qua, với sự giúp đỡ tích cực của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, quận Hoàng Mai đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu Bánh cuốn Thanh Trì. Quá trình xây dựng thương hiệu luôn khẳng định tên tuổi của đặc sản này, trong đó có cuộc thi trực quan dành cho các hộ gia đình làm bánh cuốn. Tại cuộc thi, ban tổ chức mang đến 5 đĩa bánh cuốn các loại để các gia đình chọn đĩa nào là bánh cuốn Thanh Trì. Kết quả các hộ đã tìm đúng sản phẩm của quê hương.
Chính thức có thương hiệu bánh Cuốn Thanh Trì - Ảnh 1

Quá trình tìm logo biểu trưng cũng được trưng cầu ý kiến người dân trong phường với 8 mẫu thiết kế dự thảo để đi đến lựa chọn cuối cùng. Kết quả logo biểu trưng cho Bánh cuốn Thanh Trì được chọn và được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận số 240240 ngày 20/2/2015. Hiện đang có gần 80 hộ gia đình đăng ký sử dụng nhãn hiệu logo trên. 

Đại diện quận Hoàng Mai cho biết, việc xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm bánh cuốn Thanh Trì đã đem lại niềm vui lớn cho Nhân dân địa phương, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới cho món quà quê. Chính quyền cam kết tạo điều kiện để làng nghề bánh cuốn Thanh Trì phát triển, góp chung vào những sản phẩm đặc trưng của Thủ đô Hà Nội phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Vươn xa món quà quê

Trao đổi với phóng viên, cụ Thảo (tức Nguyễn Thị Lạch - 93 tuổi), được vinh danh như tổ nghề bánh cuốn ở đây cho biết, nghề bánh cuốn xuất xứ ở Nam Định xong chỉ đến Thanh Trì, mới phát triển thành thứ quà quê hấp dẫn. Bí quyết của bánh cuốn Thanh Trì là từng lá phải tráng bằng tay để có được mỏng đều, trong nõn, không đục, gẫy, đưa miệng ăn cảm giác dai, không nát; hành phi mỡ phải sôi bật mới thả hành vào, dậy vị thơm. Bánh cuốn cuộn phải dùng với hành khô phi, có nhân và đặc biệt nước chấm pha, không quá đậm, ngọt, chua dịu và bỏ thêm vài giọt cà cuống…

Gạo phải phân biệt chiêm, mùa, gạo dẻo khác nhau, ngâm nước 2-3 giờ là đem tráng bánh. Quy trình là vậy, nhưng để có sản phẩm bánh cuốn chất lượng, ngon, thơm, giữ độ dẻo, không bở, thì mỗi nhà lại có bí quyết riêng. Xưa, bánh cuốn là thứ quà quê, đạm bạc dễ ăn, rẻ  tiền nay, ăn kèm thêm giò chả, có nơi kèm đậu phụ rán, càng làm cho món bánh cuốn phong phú, cụ Thảo nói.

Bánh cuốn Thanh Trì, không chỉ là món quà quê nổi tiếng trong nước màvang xa ngoài biên giới Việt Nam. Theo bà Dương Thị Yến, người đã có 50 năm tráng bánh cuốn, thì bánh cuốn Thanh Trì có mặt trong cả khách sạn, nhà hàng nổi tiếng, nhiều người đặt làm quà gửi đi các nước Pháp, Đức, Nga, các nước Đông Âu, châu Á…

Đặc thù, bánh cuốn làm ra chỉ ăn trong ngày, nếu bảo quản trong tủ lạnh hương vị kém ngon nên không sản xuất đại trà. Ngày nay, với giao thông thuận lợi, Bánh cuốn Thanh Trì sẽ có điều kiện vươn xa, bà Yến tin tưởng.