Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính thức công bố kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở: Tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn tới, Việt Nam phải đối mặt với thực trạng già hóa dân số. Chúng ta cần tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, “khắc phục tình trạng chưa giàu đã già” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Hội nghị công bố kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổ chức, sáng 19/12/2019, tại Hà Nội.

Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nữa giai đoạn dân số vàng hiện nay. Ảnh: Chiến Công
Thoát bẫy thu nhập trung bình từ số liệu thống kê
Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó, nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Mật độ dân số của Việt Nam đạt 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines (363 người/km2) và Singapore (8.292 người/km2) và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn rất nhiều hạn chế. Việt Nam đã tận dụng được cơ hội nhưng chưa nhiều. Nhu cầu việc làm tăng nhưng sức bền, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế. Vì vậy cần có chính sách phù hợp trong đầu tư và nâng cao chất lượng lao động để tận dụng được cơ hội này phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng như tăng năng suất lao động, tăng cơ hội việc làm...
Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam Astrid Bant
Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm đa số (tới 68% tổng dân số); dân số có khả năng lao động đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số, cứ có 1 người dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi thì có 2 người đi làm. Tuy vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lưu ý, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%), điều này phản ánh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng mạnh. Chỉ số già hóa tăng 13,3% so với 2009 và tăng gấp 2 lần so với 20 năm trước nên các tổ chức quốc tế đánh giá tốc độ già hóa ở Việt Nam nhanh trên thế giới.
Nhiều dự báo cho rằng, chỉ khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ ra khỏi giai đoạn dân số vàng và bước vào giai đoạn già hóa dân số. “Hiện dân số Việt Nam tăng nhanh, thị trường của ta cũng rất lớn nhưng thu nhập bình quân người dân vẫn thấp, phải nghiên cứu tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực "vàng" cho phát triển kinh tế tạo bứt phá để vượt "bẫy thu nhập trung bình”, khắc phục tình trạng chưa giàu đã già” - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Áp lực tăng dân số cơ học
Kết quả công bố cũng cho thấy, 2 TP có mật độ dân số cao trong cả nước là Hà Nội 2.398 người/km2 và TP Hồ Chí Minh 4.363 người/km2. Mật độ dân số của 2 trung tâm kinh tế - xã hội này cao gấp hơn 10 lần so với mật độ chung của cả nước. Có điểm chung là ở cả 2 TP tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh. Trung bình mỗi năm dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 200.000 người. Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu người, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.
Tương tự theo tính toán, cứ 5 năm TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 1 triệu dân. Bên cạnh áp lực về ùn tắc giao thông mà hằng ngày nhìn thấy, việc gia tăng dân số tạo thêm những áp lực rất lớn về y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và nhà ở. Tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, áp lực này là một bài toán đau đầu của các nhà quản lý.
Không chỉ đưa ra các kết quả mà các dữ liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cần được sử dụng và kết nối với dữ liệu của các cuộc điều tra quốc gia khác, các số liệu hành chính để tính toán các chỉ số quan trọng của Việt Nam, như nghèo đói, giáo dục, sức khỏe sinh sản... "Đây cũng là số liệu quan trọng để các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng xem xét, nghiên cứu hoạch định đường lối phát triển kinh tế, xã hội và chính sách về dân số, nhà ở giai đoạn tiếp theo tầm nhìn 2045"- Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.