Sẽ tính kinh tế phi pháp, kinh tế ngầm vào GDP
Theo Đề án, trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê sẽ đo lường 5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm: Kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót vào GDP từ năm 2020. Các số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức; các kỳ biên soạn, công bố, phổ biến quý 1, quý 2, 6 tháng, quý 3, 9 tháng và cả năm của các chỉ tiêu này thực hiện theo Luật Thống kê ngày 23/11/2015 và các văn bản liên quan khác.
Cho rằng cần thiết phải “đưa ra ánh sáng” khu vực kinh tế chưa quan sát được nhưng các chuyên gia cũng bày tỏ nhiều nghi ngại xoay quanh vấn đề này. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, hiện nay khó thống kê được kinh tế ngầm vì pháp luật còn nhiều kẽ hở.
Nhiều trường hợp vẫn tìm mọi cách luồn lách, không thành lập DN. Các hộ kinh doanh cá thể vì thế phát triển nhưng cứ nhỏ mà mãi không lớn. “Lâu nay chúng ta đều biết đến việc này, song hiện chưa có cách nào làm được. Bởi muốn thống kê được khu vực kinh tế này cần phải có các hệ thống quản lý, quy định xuyên suốt từ T.Ư xuống địa phương”- TS Lưu Bích Hồ nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đánh giá cao chủ trương chỉ đạo của Chính phủ liên quan tới chỉ đạo xây dựng Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát xong việc thống kê được kinh tế ngầm là thách thức rất lớn. “Chỉ riêng việc thực hiện thống kê số liệu xuất, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thôi mà còn chưa làm được, vậy thì làm sao thống kê được kinh tế ngầm", ông Hiển cho rằng đi đôi với việc thống kê và quản lý khu vực kinh tế ngầm, Nhà nước cần phải chống được tiêu cực, tham nhũng ở bộ máy quản lý. Cần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đối với các hoạt động nhạy cảm có nguy cơ ngầm, ngăn chặn nạn tham nhũng, bảo kê.
Theo các chuyên gia, kinh tế ngầm sẽ ảnh hưởng lớn đến DN và hoạt động kinh doanh, hạn chế cơ hội và quy mô kinh doanh do mối quan hệ góp vốn chủ yếu dựa trên quan hệ gia đình, họ hàng, thân quen, không thể phát triển đến quy mô lớn để tận dụng được lợi thế quy mô. Nó cũng tạo ra dư địa lớn cho công chức nhà nước sách nhiễu, đòi hối lộ và lạm dụng quyền lực phục vụ ý đồ, lợi ích cá nhân. Về lâu dài, kinh tế ngầm tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực, bất lợi cho khu vực chính quy.
GDP sẽ thay đổi
Một nghiên cứu của Đại học Fulbright cho rằng, quy mô nền kinh tế ngầm ở Việt Nam tương đương 25 - 30% GDP. Theo Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam Jonathan Dunn, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi lớn thời gian qua, do đó, khi cập nhật lại cách tính, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể.
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế ngầm là hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tránh phải thực hiện các quy định của nhà nước về mức lương tối thiểu… Hoạt động ngầm cũng không phải thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê. Chưa kể trong kinh tế ngầm còn phải kể đến hoạt động kinh tế phi pháp với các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm. Ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người, hay bao gồm cả hoạt động hợp pháp nhưng do các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp thực hiện, các cơ sở không đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, những kênh chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, và buộc người ta nghĩ tới mối liên hệ mật thiết giữa các hoạt động này với kinh tế ngầm. TS Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu thống kê, quản lý được kinh tế ngầm sẽ góp phần giúp Chính phủ quản lý tốt hơn dòng tiền chuyển dịch trong nước và nước ngoài, giữ ổn định nguồn tài chính quốc gia.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, bất cứ nước nào trên thế giới cũng có kinh tế phi chính thức nhưng tỷ lệ cao thấp khác nhau. TS Doanh cho rằng, việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế sẽ giúp giảm được việc trốn thuế, lậu thuế, giảm hàng giả hàng nhái trên thị trường hiện nay.
Do đó, cần khuyến khích các hộ gia đình phát triển lớn mạnh để trở thành các DN. Tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh này nộp thuế, đóng góp vào năng lực cạnh tranh quốc gia. Cách tốt nhất để quản lý được đối tượng đang kinh doanh kinh tế ngầm là áp dụng chính phủ điện tử công khai, minh bạch. Khuyến khích kinh tế hộ gia đình phát triển thành DN; khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng tiền mặt; yêu cầu hộ cá nhân kinh doanh xuất hóa đơn và giữ lại hóa đơn thanh toán… cũng là những giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị.q